1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giá vàng thế giới giảm sâu, giá USD tự do cao nhất từ đầu năm

Nhật Quang

(Dân trí) - Giá vàng trong nước đứng im. Vàng thế giới giảm 11 USD so với hôm qua, xuống dưới 2.319 USD/ounce. Giá vàng giảm trong bối cảnh giá USD tự do tiến sát 26.000 đồng/USD.

Mở phiên ngày 26/6, giá vàng miếng SJC vẫn được các doanh nghiệp lớn niêm yết tại 74,98-76,98 triệu đồng/lượng (mua - bán), không thay đổi sau 16 phiên. Chênh lệch giữa 2 chiều mua, bán là 2 triệu đồng/lượng.

So với đỉnh 92,4 triệu đồng thiết lập ngày 10/5, giá vàng miếng hiện đã giảm hơn 15 triệu đồng mỗi lượng.

Giá vàng nhẫn sáng nay niêm yết tại 73,85-75,45 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 100.000 đồng mỗi chiều so với trước đó.

Từ đầu tháng 6, Ngân hàng Nhà nước tăng cung vàng miếng ra thị trường thông qua việc bán vàng trực tiếp cho 4 nhà băng quốc doanh và Công ty SJC. Hai tuần qua, giá bán vàng từ Ngân hàng Nhà nước không đổi nên giá bán vàng của các nhà băng và Công ty SJC vì thế cũng đứng yên.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng hôm nay đạt 2.319 USD/ounce, giảm 11 USD so với sáng ngày 25/6. So với đỉnh trong tuần trước, giá kim loại quý đã giảm gần 50 USD. Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá chưa bao gồm thuế, phí là khoảng 71,2 triệu đồng/lượng, còn thấp hơn giá vàng miếng khoảng 6 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn là hơn 4 triệu đồng/lượng.

Mức chênh lệch giữa vàng trong nước và quốc tế đã rút ngắn nhiều hơn so với giai đoạn trước ngày 30/5. Cuối tháng 5 có thời điểm vàng miếng SJC cao hơn thế giới 18-19 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới chịu áp lực giảm bởi sự tăng lên của đồng USD và lợi suất trái phiếu khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ sẽ được công bố vào cuối tuần này. Dữ liệu này có thể củng cố thêm dữ kiện về thời điểm cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm nay.

Giá vàng thế giới giảm sâu, giá USD tự do cao nhất từ đầu năm - 1

Giá vàng miếng SJC ghi nhận giữ mức giá ổn định 15 phiên liên tiếp kể từ ngày 8/6 (Ảnh: Thành Đông).

Giá vàng đã đạt mức cao kỷ lục 2.449,89 USD vào ngày 20/5 và đã tăng 12% từ đầu năm đến nay, được hỗ trợ bởi kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Fed và lực mua mạnh từ các ngân hàng trung ương trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị.

Tuần này, các nhà giao dịch đang chờ đợi ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ được công bố vào thứ 5 (27/6) và báo cáo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) vào ngày 28/6.

Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, ông Austan Goolsbee, cho biết ông vẫn đang chờ đợi lạm phát giảm thêm để từ đó cân nhắc về việc có thể cắt giảm lãi suất. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng không có lợi suất.

Các chuyên gia cho rằng, vàng sẽ vẫn dao động trong phạm vi hẹp trong những ngày tới bởi các nhà giao dịch đều do dự trong việc nắm giữ bất kỳ vị thế quan trọng nào trước khi báo cáo chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân được công bố và hướng đi ngắn hạn vẫn tiếp tục bị chi phối bởi sự không chắc chắn xung quanh chính sách tiền tệ của Fed.

Giá USD tự do tăng mạnh

Trên thị trường quốc tế, USD-Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - có xu hướng mạnh lên trong 2 tuần qua, hiện neo quanh 105,67 điểm, tăng 0,06% so với phiên liền trước đó và tăng 4,28% kể từ đầu năm.

Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm tại 24.258 đồng, tăng 5 đồng so với trước đó. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng được phép mua bán USD trong vùng giá từ 23.045-25.470 đồng.

Ngân hàng lớn mua bán USD tại 25.220-25.470 đồng, giảm 2 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra. Ngân hàng cổ phần cho phép giao dịch USD tại 25.283-25.470 đồng.

Các đầu mối quy đổi ngoại tệ trên thị trường tự do niêm yết giá USD tại 25.880-25.960 đồng/USD, tăng 10 đồng mỗi chiều so với hôm qua. Như vậy, giá USD tự do tăng 60 đồng sau 2 phiên, ghi nhận mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm