Giá vàng tăng cao có lợi cho ai?
Giá vàng trong nước vừa qua có lúc lên cao hơn giá thế giới 3 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch này quá lớn so với nhận định vào năm ngoái của thống đốc ngân hàng Nhà nước rằng giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới 400.000 đồng/lượng là đã có dấu hiệu đầu cơ, làm giá.
Theo quy định, ngày 25/11/2012 sẽ là ngày cuối cùng các ngân hàng thương mại trong nước phải ngưng huy động và tất toán vàng với người dân. Số liệu của ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy số lượng vàng huy động ở các ngân hàng thương mại vào thời điểm giữa năm 2011 là khoảng 100 tấn, tương đương 2,4 triệu lượng vàng.
Sẽ tiếp tục gia hạn?
Một nguồn tin cho biết ngân hàng Nhà nước đang có kế hoạch gia hạn lần thứ ba thời gian huy động vàng nhằm giảm dần số dư huy động theo tình hình từng ngân hàng.
Phó thống đốc ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trả lời trên báo chí đầu tuần này cho biết ngân hàng Nhà nước đang triển khai các biện pháp nhằm ổn định thị trường vàng, như cho phép tổ chức tín dụng gặp khó khăn về thanh khoản vàng được vay vốn bằng vàng và bổ sung nguồn cung cho thị trường; đồng thời cho phép tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng được chuyển đổi vàng miếng khác SJC sang vàng miếng SJC và gia công lại vàng miếng SJC móp méo.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Cúc, phó tổng giám đốc PNJ, cho hay đến chiều qua vẫn chưa nhận được thông báo gì về vấn đề này. Theo những người kinh doanh vàng, có thể cơ quan quản lý lo ngại vàng lậu có thể nhân cơ hội này trà trộn, gây xáo động thị trường.
Ai định giá vàng?
Giá vàng trong nước vừa qua có lúc cao hơn giá vàng thế giới đến 3 triệu đồng/lượng. Theo ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia về thị trường vàng, giá vàng trong nước biến động tăng hay giảm phụ thuộc đến 80% vào giá thế giới, tuy nhiên lâu nay trong và ngoài nước lại... không có sự liên thông về giá!
Từ năm 2009, do lo ngại sàn vàng thao túng làm bất ổn thị trường vàng, ngân hàng Nhà nước đã đóng cửa sàn vàng. Vào thời điểm dẹp bỏ các sàn, giá vàng trong nước chỉ chênh lệch so với giá thế giới từ 300.000 – 500.000 đồng/lượng, sau đó lên khoảng 1 triệu đồng/lượng. Từ đó đến nay, mức độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới gần như không giảm, thậm chí có phần tăng lên mà mức chênh lệch 3 triệu đồng/lượng những ngày vừa qua là ví dụ.
Điều này cho thấy các chính sách quản lý thị trường vàng của ta không mấy hiệu quả, nhất là khi yếu tố lớn nhất là làm cho giá vàng trong nước liên thông với giá vàng thế giới chưa được giải quyết.
Theo các chuyên gia, mức chênh lệch 2,5 – 3 triệu đồng/lượng vàng đang có lợi cho những doanh nghiệp đã nhập vàng vào thời điểm giá vàng tiệm cận 1.800 – 1.900 USD/ounce vào năm ngoái. Theo đó, những tháng đầu năm ngoái, giá vàng thế giới ở mức 1.600 – 1.900 USD/ounce, sau đó đã rớt xuống còn 1.500 – 1.550 USD/ounce kéo dài cho đến 6 – 7 tháng đầu năm nay.
Với mức 400 USD chênh lệch này, theo tính toán sơ bộ của chuyên gia, mức lỗ thấp nhất các doanh nghiệp này chịu trong thời gian qua là 10 triệu đồng/lượng. Vì vậy, giữ mức giá chênh lệch càng lớn với thế giới, họ càng lấy lại nhiều hơn những gì đã mất.
Trước đây, các nguyên nhân gây chênh lệch, bất ổn thị trường được cho là bởi tâm lý, bởi sàn vàng, bởi cung cầu ngoại tệ và giá đôla Mỹ trên thị trường chợ đen cao hơn giá niêm yết tại thời điểm gom mua vàng v.v.
Còn hiện nay, như nhận xét của ông Lê Minh Hưng thì thị trường vàng không có dấu hiệu sốt, không có hiện tượng nhập lậu vàng nên tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, vậy tại sao mức chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước vẫn quá cao?
Nhiều câu hỏi được đặt ra. Ai là người định giá vàng bán trong nước hiện nay? Giá đó được tính như thế nào, có đúng không, ai là người kiểm tra giá ấy?
Từ năm 2009, chỉ có ít một số doanh nghiệp và ngân hàng được cấp phép nhập vàng. Vì vậy, giá vàng có xu hướng nằm trong tay những đầu mối lớn, người có nguồn hàng. Còn nhớ cách đây chưa lâu, lãnh đạo ngân hàng Nhà nước khi cam kết giữ mức chênh lệch hợp lý giữa giá vàng trong nước và thế giới đã khẳng định rằng “khi giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới trên 400.000 đồng/lượng là đã có sự đầu cơ”. Nay, phải hiểu thế nào khi mức chênh lệch đã lên đến 3 triệu đồng/lượng?
Theo nghị định 24 về kinh doanh vàng miếng, Chính phủ giao ngân hàng Nhà nước thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng. Từ đầu năm nay, thống đốc ngân hàng Nhà nước cho biết đã có sự chuẩn bị về đề án huy động vàng trong dân để một mặt ngăn hiện tượng đầu cơ vàng, bình ổn thị trường vàng, điều tiết giá vàng trong nước, một mặt tạo nguồn vốn phục vụ cho nền kinh tế. Thế nhưng cho đến nay, chưa thấy đề án được công bố...
* Có sự chênh lệch giá vàng lớn bởi giá trong nước không phản ánh đúng biến động giá thế giới. Điều này cũng cho thấy ngân hàng Nhà nước chưa có công cụ thích hợp để quản lý giá vàng trên thị trường. Giá vàng trong nước biến động theo giá thế giới, vì vậy “quản lý” ở đây nghĩa là tạo được một sân chơi vàng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều có thể tham gia, đồng thời có những hành lang pháp lý, công cụ để kiểm soát nó. Không có giải pháp nào giải quyết được sự chênh lệch nếu không nối kết thực sự với thế giới.
(Đinh Tuấn Minh, chuyên gia kinh tế )
* Cách dễ nhất là tạo một sàn giao dịch vàng tập trung, nơi nhà đầu tư trong nước và quốc tế đều tham gia được. Sàn này sẽ huy động vàng trong dân, những người mua bán vàng phải thực hiện mua bán thông qua sàn... Lúc đó, Nhà nước không những giải quyết dứt điểm vấn đề chênh lệch giá vàng cao hơn giá thế giới mà còn quản lý được thị trường vàng, có được một nguồn vốn rẻ từ vàng, thu được thuế, phí…
(Phan Dũng Khánh, chuyên gia về thị trường vàng )
* Giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới là ví dụ rõ ràng cho việc không có sự liên thông về giá. Nhưng ai khiến cho giá không liên thông? Ai là người quyết định giá vàng? Chính sách cần phải được điều chỉnh thì mới có thể bình ổn được thị trường vàng, đưa giá trong nước tiệm cận với giá thế giới. Ngoài ra, theo tôi, chính việc nhà nước độc quyền sở hữu thương hiệu vàng SJC phần nào đã khiến giá vàng không liên thông được.
(Lê Trọng Nhi, chuyên gia tài chính) |
Theo Hồng Sương
SGTT