Giá vàng “phá” đỉnh, giao dịch thưa vắng

(Dân trí) - Tối qua, sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) <a href="http://www11.dantri.com.vn/kinhdoanh/2007/9/197569.vip"> cắt giảm 0,5% lãi suất cơ bản của USD</a>, giá vàng thế giới đã tăng 11,7 USD lên tới 735,5 USD/ounce. Trong nước, chính thức vượt 1,4 triệu đồng/chỉ, cứ ngỡ thị trường vàng sẽ lại “sôi sục”...

Giá vàng lên cao nhất trong 27 năm qua

Với mức đỉnh 735,5 USD/ounce được xác lập vào hôm qua, giá vàng kỳ hạn giao tháng 12 đã vượt qua mức đỉnh cao của giá vàng kỳ hạn giao tháng 6/2006 (732 USD/ounce) và đạt mức giá cao nhất kể từ năm 1980 đến nay.

Trong buổi họp ngày 18/9, FED đã công bố quyết định cắt giảm 0,5% lãi suất cơ bản của USD, nhiều hơn mức dự báo của các nhà kinh tế, xuống còn mức 4,75%, đã ngay lập tức khiến USD rớt giá so với Euro và một số đồng tiền mạnh khác.

Quyết định cắt giảm lãi suất USD cũng đồng thời đẩy giá vàng kỳ hạn giao tháng 12 tăng thêm 11,7 USD/ounce (tăng tương ứng 1,6%), đạt đến mức 735,5 USD/ounce. Bên cạnh đó, giá vàng giao ngay tăng vọt lên 724,10 USD/ounce, lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2006.

Với thị trường vàng trong nước, sau 10 ngày lên “cơn sốt” và điều chỉnh nhẹ cuối tuần trước, giá vàng trong nước đã bất ngờ tăng mạnh trở lại vào hôm qua và sáng nay 19/9 đã chính thức vượt qua mốc 1,4 triệu đồng/chỉ - mức cao nhất kể từ tháng 5/2006.

Mọi dự báo được đưa ra tuần trước về mức đỉnh của giá vàng trong thời điểm này dường như đã bị “hớ” do giá vàng trong nước bám sát diễn biến giá vàng thế giới. Nhưng không giống những lần trước, mức tăng cao nhất hôm nay lại thuộc về vàng Bảo Tín Minh Châu.

Tại thị trường tự do, vàng của Bảo Tín Minh Châu được niêm yết ở mức 1,393 triệu đồng (mua vào) - 1,403 triệu đồng/chỉ (bán ra), tăng 14.000 đồng/chỉ so với hôm qua và tăng tới trên 30.000 đồng/chỉ so với cuối tuần trước.

Vàng SJC tại chi nhánh Hà Nội được niêm yết giá “mềm” hơn: 1,392 triệu đồng/chỉ - 1,401 triệu đồng/chỉ, tăng 11.000 đồng/chỉ.

Nhà đầu tư tiếc ngẩn vì "ăn non"?

Có mặt tại cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu từ sáng, chị Minh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) không ngừng dõi theo diễn biến của giá vàng. Tuần trước, khi giá lên mức 1,392 triệu đồng/chỉ, chị đã bán ra gần 10 cây vàng và với mức giá này, chị Minh thu về gần chục triệu đồng chỉ trong vòng 3 tháng.

Chị Minh lập luận: “Rất khó để nói là tôi đã bán non hay không, mặt hàng vàng vốn có tính thanh khoản cao, mua vào thời điểm giá thấp và bán ra khi giá cao đều dễ dàng. Với tôi, mức lãi như vậy là đủ, tôi sẽ chờ cơ hội thích hợp để mua vào, cũng sẽ có thời điểm giá vàng hạ xuống”.

Còn với anh Thắng (Cầu Giấy, Hà Nội), một nhà đầu tư khá chuyên nghiệp trong lĩnh vực vàng lại không ngớt reo mừng do quyết định “chưa bán ra vội” của mình: “Đã có lúc tôi có ý bán ra nhưng lại nghĩ khoản vốn đó lấy về cũng chẳng để làm gì…cho nên với mức giá hôm nay, tôi vẫn chưa bán bởi theo quy luật, thời gian cuối của năm giá vàng còn tăng nữa”.

Hai thái cực “mua vào”- “bán ra” đang “dằng co” nhau khiến cho giao dịch trên thị trường này sáng nay thưa vắng khác hẳn các đợt sốt giá trước kia, mặc dù lượng nhà đầu tư bám cửa hàng khá đông.

Ông Lưu Quang Điền - Giám đốc điều hành Công ty Vàng bạc - Đá quý SJC Hà Nội cho biết: "Các nhà đầu tư đang nghe ngóng xu hướng giá vàng khi thị trường đang biến động, do đó, trừ vàng nữ trang, giao dịch vàng miếng trong hệ thống SJC Hà Nội tương đối chậm. Lượng giao dịch chỉ bằng 1/4 so với ngày thường”.

Qua đó, ông Điền nhắn nhủ đến các khách hàng của mình: Khi giá vàng biến động lớn, các nhà đầu tư nhỏ lẻ hãy bình tĩnh, để có thêm thời gian tính toán cho đầu tư của mình. “Mọi giao dịch, nhất là mua vào nên thực hiện khi giá vàng ổn định, thường một quy trình đầu tư nên từ 3-6 tháng mới thực sự có lợi nhuận” - ông Điền nói.

Nguyễn Hiền