Giá vàng nhẫn, vàng miếng cùng giảm 1,3 triệu đồng/lượng
(Dân trí) - Giá kim loại quý thế giới sáng nay giảm 70 USD, lùi sâu về vùng giá 2.612 USD/ounce, trước sự tăng giá mạnh mẽ của đồng USD. Chênh lệch giá mua, bán vàng miếng trong nước là trên 3,5 triệu đồng/lượng.
Mở phiên sáng 12/11, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết tại 80,6-84,1 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 1,3 triệu đồng ở cả 2 chiều mua và bán so với kết phiên hôm qua.
Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá mua - bán vẫn ở mức cao trên 3,5 triệu đồng.
Vàng nhẫn tròn trơn cũng ghi nhận giảm 1,3 triệu đồng ở cả 2 chiều, hiện được niêm yết tại 80,5-83 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Tại phiên chất vấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tại Kỳ họp quốc hội thứ 8, sáng 11/11, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết vừa qua việc bán vàng miếng của NHNN được người dân đồng tình.
Tuy nhiên, ngân hàng chỉ bán ra mà không mua vào nên người dân có nhu cầu không biết bán ở đâu. Tại sao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ bán ở Hà Nội và TPHCM mà không bán khắp cả nước?
Tranh luận thêm, ông Hòa cho rằng vấn đề ngân hàng bán vàng miếng mà không mua lại là vấn đề hệ trọng, các doanh nghiệp không mua, dẫn đến người dân phải bán ở "chợ đen".
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN cung vàng do nhu cầu gia tăng. Ngân hàng chưa đặt vấn đề mua lại, mà tập trung thực hiện giải pháp tăng cung vàng.
Hiện đã có 22 tổ chức tín dụng và 16 đơn vị mua bán vàng, hoạt động kinh doanh diễn ra bình thường. Việc doanh nghiệp không mua vàng của cá nhân có thể vì một vài lý do như cân đối tiền.
Thống đốc cho rằng bản thân các tổ chức tín dụng thực hiện theo chỉ đạo là bán vàng để bình ổn thị trường.
"Về vấn đề mua vàng, thực tế, vàng không như ngoại tệ, để kiểm định chất lượng và hàm lượng vàng rất khó khăn. Tổ chức tín dụng phải đầu tư trang thiết bị, con người để nhận biết, tránh rủi ro khi tham gia bình ổn lại gặp rủi ro về chất lượng vàng", bà Hồng nói.
Giá vàng thế giới rạng sáng nay (theo giờ Việt Nam) giao dịch quanh mốc 2.612 USD/ounce, giảm hơn 70 USD so với trước đó, ghi nhận mức giảm gần 5% chỉ sau một tuần.
Hiện, quy đổi theo tỷ giá chưa thuế, phí, giá vàng thế giới tương đương 80,1 triệu đồng/lượng rẻ hơn 5-5,5 triệu đồng so với giá trong nước, tùy thời điểm.
Theo Rania Gule, nhà phân tích thị trường cao cấp tại XS.com, giá vàng giảm hơn 2% trong phiên giao dịch đầu tuần, chạm mức thấp nhất trong khoảng bốn tuần. Giá kim loại quý chịu áp lực từ sự phục hồi của đồng USD khi "các thị trường dự đoán các biện pháp chính sách tài khóa tiềm năng" từ Tổng thống Mỹ, Donald Trump.
Các thị trường đang hướng đến các chương trình chi tiêu quy mô lớn của chính phủ và các cải cách thuế có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ, vị chuyên gia chia sẻ trong báo cáo thị trường.
"Sự lạc quan này đẩy nhà đầu tư hướng về các tài sản Mỹ, tăng giá trị của đồng USD, và tạo áp lực lên vàng, vì bản chất vàng không sinh lợi tức", bà Rania nói.
Theo chiến lược gia thị trường Yeap Jun Rong của IG, việc ông Trump trở thành Tổng thống đắc cử đã khiến kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong năm 2025 giảm bớt.
"Nhìn chung, điều đó có thể làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lạm phát của Fed và chúng ta có thể kỳ vọng Fed sẽ thận trọng hơn trong quá trình nới lỏng sắp tới, điều này có thể hạn chế giá vàng", ông Rong đánh giá.
Giá USD tự do nhích tăng nhẹ
USD-Index (DXY) - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - đạt 105,5 điểm, tăng 0,5% so với trước đó, ghi nhận mức cao nhất sau 4 tháng.
Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết tỷ giá trung tâm tại 24.267 đồng, tăng 4 đồng so với trước đó. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng được phép mua bán USD trong vùng giá từ 23.052-25.480 đồng.
Ngân hàng lớn mua bán USD tại 25.090-25.480 đồng (mua - bán). Ngân hàng cổ phần cho phép giao dịch USD tại 25.120-25.480 đồng.
Trên thị trường tự do, giá đồng bạc xanh được giao dịch tại 25.570-25.670 đồng (mua - bán), tăng 50 đồng mỗi chiều.