Giá vàng miếng giảm, vàng nhẫn vẫn tăng
(Dân trí) - Giá vàng nhẫn và vàng miếng SJC đang diễn biến trái chiều. Trong khi vàng nhẫn tăng 300.000 đồng/lượng, chiều bán về dưới 84 triệu đồng thì vàng miếng lại giảm 300.000 đồng về dưới 77 triệu đồng.
Mở phiên sáng 19/4, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết tại 81,8-83,8 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 300.000 đồng mỗi chiều so với kết phiên trước đó. Giá vàng nhẫn đang là 75-76,9 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 300.000 đồng so với kết phiên trước đó.
Sau ngày nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương (18/4), giá vàng miếng SJC hiện được các doanh nghiệp niêm yết tại 82,1-84,1 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 300.000 đồng mỗi chiều so với thời điểm mở cửa phiên trước đó.
Trong khi đó, mỗi lượng vàng nhẫn giảm 100.000 đồng ở cả chiều mua và bán, niêm yết tại vùng giá cao 74,7-76,6 triệu đồng/lượng (mua - bán).
So với phiên giao dịch đầu năm, mỗi lượng vàng miếng tăng giá 13% và vàng nhẫn tăng 21,5%.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng đang ở 2.377 USD/ounce, tăng 15,2% so với đầu năm. Sau phiên tăng "sốc" chạm đỉnh lịch sử mới ở mốc 2.430 USD/ounce ngày 12/4, giá vàng thế giới đã quay đầu giảm về dưới vùng 2.400 USD/ounce.
Giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá chưa bao gồm thuế, phí đang thấp hơn vàng nhẫn trong nước gần 3,5 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng miếng SJC khoảng 10,2-11 triệu đồng/lượng, tùy thời điểm.
Theo CNBC News, căng thẳng không ngừng ở Trung Đông đã gia tăng sức hấp dẫn của kim loại quý này mặc dù dữ liệu kinh tế mạnh mẽ từ Mỹ đã nâng cao triển vọng giảm lãi suất.
Nhà phân tích thị trường chính của Gainesville Coins, ông Everett Millman cho biết khi có căng thẳng địa chính trị, phản ứng tự nhiên của nhà đầu tư là chạy vào vàng, đây cũng là điều đang xảy ra hiện nay. Nếu xung đột leo thang hơn, giá có thể lên trên 2.500-2.600 USD, và ở tình thế ngược lại, giá có thể giảm xuống 2.200 USD.
Nhà phân tích của Bank of China International (BOCI), Xiao Fu cho biết với sự giảm kỳ vọng giảm lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ có một số áp lực lên vàng, nhưng khả năng giảm mạnh là không lớn.
Giá bán USD ngân hàng chạm trần
USD-Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - hiện đạt 106,1 điểm, tăng 4,7% từ đầu năm và hiện ở vùng giá cao nhất 6 tháng.
Nguyên nhân của hiện tượng này đến từ lạm phát Mỹ vẫn ở mức cao khiến Fed có thêm thời gian trước khi quyết định hạ lãi suất. Điều này trái với kỳ vọng của nhà đầu tư. Ngoài ra, tỷ giá tăng cũng được cho là do chịu tác động từ thị trường vàng và tiền số.
Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm tại 24.231 đồng, tăng 90 đồng so với phiên liền trước đó. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại được phép mua bán USD trong vùng 23.019-25.442 đồng.
Theo đó, các ngân hàng cũng đã nâng mạnh giá USD, lên sát mức trần được phép. Ngân hàng lớn mua bán USD tại 25.100-25.440 đồng, tăng thêm 30 đồng ở chiều mua và không thay đổi ở chiều bán. Ngân hàng cổ phần cho phép giao dịch USD tại 25.225-25.442 đồng.
Tính từ đầu năm đến nay, mỗi USD trong ngân hàng tăng 950-1.050 đồng, tương đương gần 4,3%.
Các đầu mối quy đổi ngoại tệ trên thị trường tự do niêm yết giá USD tại 25.520-25.670 đồng/USD (mua - bán), tăng 50 đồng ở chiều mua và tăng 70 đồng ở chiều bán ra so với trước đó.