Giá vàng giảm sốc 1,2 triệu đồng/lượng chỉ trong... 15 phút
(Dân trí) - Lúc 16h, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp niêm yết tại 71,4-73,22 triệu đồng/lượng (mua - bán) thì chỉ 15 phút sau, mỗi lượng đã "bốc hơi" luôn 1,2 triệu đồng. Giá tụt về vùng 72,2 triệu đồng.
Cuối ngày 8/3, giá vàng bất ngờ giảm mạnh. Tại Hà Nội, lúc 16h15, doanh nghiệp niêm yết giá tại 70,2-72,02 triệu đồng/lượng (mua - bán). So với giá đầu ngày, mỗi lượng vàng đã giảm 1,8 triệu đồng chiều mua vào và giảm 1,64 triệu đồng chiều bán ra.
Trước đó, cập nhật lúc 16h, giá vẫn neo tại vùng 71,4 - 73,22 triệu đồng/lượng (mua - bán). Như vậy, chỉ trong vòng vài tiếng, giá đã "rớt không phanh". Chênh lệch giữa chiều mua - bán vẫn rất cao, lên tới 1,8 triệu đồng/lượng tại thị trường TPHCM và 1,82 triệu đồng/lượng tại thị trường Hà Nội.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao trên Kitco lúc 16h là 2.014 USD/ounce, tương đương 55,56 triệu đồng/lượng. Nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (chưa thuế, phí), giá vàng thế giới đang rẻ hơn 17,66 triệu đồng/lượng so với giá trong nước.
Ông Lobo Tiggre từ hãng The Independent Speculator nhận định, nỗi sợ hãi gia tăng trên thị trường chính là nguyên nhân khiến giá vàng "phi mã" vì giới đầu tư ráo riết tìm kênh trú ẩn an toàn. "Đây cũng là đáp án cho câu hỏi vì sao vàng và chỉ số đồng USD cùng tăng giá trong tháng trước nhưng tôi nghĩ, điều này sẽ không diễn ra quá lâu", ông nói.
Hôm qua (7/3), giá kim loại quý chạm ngưỡng 2.000 USD/ounce, đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 8/2020. Do đó, vàng vẫn còn dư địa để tăng giá trong thời gian tới khi chiến sự ở Ukraine vẫn "nóng" và lạm phát gia tăng nhanh trên toàn cầu.
Tuy nhiên, ông Tiggre vẫn kỳ vọng, vàng sẽ giảm giá trong ngắn hạn chứ không phải tiếp tục tăng. "Tôi nghĩ rằng, cuộc chiến ở Ukraine không thể mãi leo thang và căng thẳng. Nếu mọi thứ nguội đi thì nỗi sợ sẽ tan biến và vàng sẽ trở về đúng nhịp như xưa", chuyên gia từ The Independent Speculator bày tỏ.
Đồng quan điểm, ông Nicky Shiels từ hãng MKS PAMP SA dự báo, giá vàng sẽ còn tăng trong thời gian tới vì các yếu tố sau: Thứ nhất là chiến sự tiếp tục "nóng" ở Ukraine; Thứ hai là mức độ lạm phát gia tăng; Thứ ba là các quyết sách về lãi suất từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Mới đây, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) - Jerome Powell đã ủng hộ mức tăng 25 điểm cơ bản vào tháng 3. Nếu đúng như dự kiến, Fed sẽ tăng lãi suất 3 lần trong năm 2022 và đợt điều chỉnh đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 3.
Tuy nhiên, ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) lại dự báo, số lần tăng lãi suất của Fed sẽ là 7 lần trong năm 2022 và 4 lần trong năm 2023. Lý giải về nhận định trên, ngân hàng Mỹ cho rằng, chiến sự "nóng" ở Ukraine và các lệnh trừng phạt mà Mỹ, phương Tây áp lên Nga có thể gây ảnh hưởng đến các quyết sách của Fed.
"Giá hàng hóa toàn cầu đang tăng nhanh như dầu thô vượt ngưỡng 139 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008, Nickel (Ni) tăng 90%, lúa mì có giá cao nhất trong vòng 14 năm và vàng có thời điểm giao dịch trên 2.000 USD/ounce", Goldman Sachs lấy dẫn chứng.
Trao đổi với Dân trí, một thành viên trong Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam dự báo, nếu chiến sự ở Ukraine không hạ nhiệt, giá vàng thế giới có thể đạt ngưỡng 2.060 USD/ounce và giá vàng trong nước chắc chắn sẽ tăng theo.