Giá USD giảm sâu, Ngân hàng Nhà nước lại phát tín hiệu mới
(Dân trí) - Với mức “rơi” dầu đều, hiện giá USD tại các ngân hàng thương mại đã giảm từ 120 đồng - 150 đồng/USD so với mức đỉnh thiết lập ngay sau quyết định nâng trần tỷ giá của NHNN hôm 7/1.
Tại VietinBank, giá USD được ngân hàng niêm yết giao dịch ở mức 21.315 đồng – 21.375 đồng, chiều mua vào giảm 10 đồng còn chiều bán ra giữ nguyên giá sáng nay.
Một số nhà băng giữa nguyên giá USD so với phiên giao dịch sáng nhưng giảm từ 10 đồng – 15 đồng so với hôm qua. Điển hình như tại DongABank, giá USD được ngân hàng này giảm 10 đồng mua vào, 15 đồng bán ra, giao dịch ở mức 21.310 đồng - 21.370 đồng/USD.
Tỷ giá tại Eximbank duy trì ở 21.300 đồng - 21.370 đồng/USD; BIDV giao dịch ở mức 21.320 đồng - 21.380 đồng; ACB giảm 5 đồng cả mua vào, bán ra xuống 21.295 đồng - 21.365 đồng/USD.
Trên thị trường tự do, giá USD tại Hà Nội cũng giảm mạnh, xuống phổ biến ở mức 21.425 đồng - 21.435 đồng (mua vào) và 21.445 đồng - 21.455 đồng (bán ra). So với sáng qua, giá USD tự do hiện giảm 45 đồng, nâng tổng mức giảm so với đỉnh giá hôm 7/1 lên gần 150 đồng.
Trong khi đó, theo niêm yết trang trang web của Ngân hàng Nhà nước, ngày 13/1, tỷ giá bình quân liên ngân hàng giao dịch ở mức trần 21.458 VND/USD. Và kể từ sáng qua 12/1, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước chính thức trở lại yết giá giao dịch USD, với vai trò là người mua bán sau cùng. Trong đó, mức giá mua vào USD được ấn định ở 21.350 đồng, giá bán ra là 21.600 đồng.
Như vậy, sau gần 1 tuần thực hiện điều chỉnh (7/1), thị trường đã tương đối ổn định và cân bằng, đó là lý do khiến Ngân hàng Nhà nước đưa ra một tham chiếu cần thiết cho thị trường.
Trên thị trường, sau khi NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% từ mức 21.246 đồng/USD lên 21.458 đồng/USD từ ngày 7/1/2015, các ngân hàng đã lập tức điều chỉnh giá bán USD của mình lên 21.500 đồng - 21.510 đồng/USD, còn giá mua vào trong khoảng 21.400 đồng - 21.450 đồng/USD. Tuy nhiên, mức giá này duy trì không lâu. Kể từ chiều 7/1, tỷ giá trên thị trường đã quay đầu giảm.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, động thái tăng tỷ giá ngay từ đầu năm của Ngân hàng Nhà nước giúp thị trường ổn định trở lại sau khi tăng nóng đợt cuối năm. Khi kỳ vọng thay đổi tỷ giá trong ngắn hạn không còn, nguồn cung ngoại tệ được đánh giá là vẫn dồi dào (xuất siêu trên 2 tỷ USD, kiều hối 11 tỷ USD…), thị trường ngoại hối thời gian tới dự báo sẽ ổn định trở lại, tỷ giá có thể xác lập một mặt bằng mới và giao dịch quanh mức 21.200 đồng - 21.300 đồng.
Đề cập tới cam kết giữ tỷ giá 2% trong năm 2015 của NHNN, theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành, chính sách giữ tỷ giá VND/USD danh nghĩa tương đối ổn định, (phá giá không quá 2%/năm) nhằm chống lạm phát, và cùng với chính sách lãi suất (lãi suất VND cao hơn nhiều lãi suất USD) để hạn chế đô la hóa (sự dịch chuyển từ VND sang USD). Chính sách này cũng góp phần tạo môi trường vĩ mô ổn định để doanh nghiệp tính toán tốt hơn trong làm ăn.
“Việc phá giá 1% đầu năm là giải pháp được cho là hợp lý trong bối cảnh đồng USD đang lên giá. Nó vừa giảm bớt 1 phần áp lực lên VND, song vẫn có dư địa ít nhiều để điều chỉnh nếu cần thiết”, ông Thành bình luận.
Với nhiều áp lực về tỷ giá, liệu trong năm năm NHNN có thể ổn định được thị trường này? Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho hay: Mặc dù trong năm 2015 tỷ giá có áp lực khi thị trường thế giới USD tăng giá, FED dừng gói QE và có thể tăng lãi suất trong năm, nhưng với Việt Nam cũng có một số yếu tố thuận lợi như:
Năm 2015, áp lực về nhập siêu không quá lớn bởi xuất khẩu được dự báo tiếp tục tăng cao; nhập khẩu có thể tăng lên nhưng với dự kiến tổng đầu tư toàn xã hội khoảng 30-32% GDP, tín dụng được kiểm soát trong khoảng 13-15% dẫn đến nhập khẩu cũng sẽ không tăng mạnh như những năm trước đây (trước đây tín dụng tăng bình quân trên 30%/năm; tổng đầu tư toàn xã hội chiếm trên 40% GDP).
Cho dù có nhập siêu thì với nguồn kiều hối hàng năm khá dồi dào, dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp tiếp tục vào Việt Nam khi kinh tế vĩ mô dần ổn định, Chính phủ quyết tâm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, dự báo năm 2015, cán cân thanh toán của Việt Nam tiếp tục thặng dư. Như vậy có cơ sở để NHNN ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá.
Năm 2015, để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, NHNN tiếp tục điều hành đồng bộ các công cụ, chính sách để điều tiết cả thị trường nội tệ và ngoại tệ, các giải pháp thực hiện theo hướng nâng cao vị thế của đồng Việt Nam...
Nguyễn Hiền