Giá trị doanh nghiệp bị bóp méo, hàng ngàn tỷ đồng vốn Nhà nước "tiêu tan"

(Dân trí) - Giới chuyên gia cho rằng, hiện môi trường pháp lý về xác định giá trị doanh nghiệp nói chung, xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa DNNN nói riêng còn chưa hoàn chỉnh. Điều này khiến Nhà nước chịu thiệt hàng ngàn tỷ đồng khi cổ phần hoá các DNNN.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Vênh hàng ngàn tỷ đồng sau kiểm toán

Phát biểu tại hội thảo: “Xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” được tổ chức tại Hà Nội sáng 21/8, TS Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết, năm 2016 cho thấy, KTNN đã tiến hành kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi cổ phần hóa của 7 doanh nghiệp, đã xác định vốn Nhà nước tăng thêm 20.818 tỷ đồng.

KTNN đã chỉ ra nhiều nhiều tồn tại, hạn chế trong việc xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, nhất là việc lựa chọn phương pháp định giá, xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất,…

Ngoài ra, KTNN còn phát hiện các tồn tại trong cơ chế, chính sách về cổ phần hóa DNNN, kiến nghị với cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách còn hạn chế, bất cập trong định giá và xử lý các vấn đề tài chính.

Còn theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 6, chỉ qua kiểm toán 8 doanh nghiệp Nhà nước trong năm 2016, cơ quan kiểm toán đã phải kiến nghị điều chỉnh tăng thêm vốn Nhà nước hơn 8.000 tỷ đồng.

Ví dụ được ông Tuấn nhắc đến là Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn có giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo báo cáo là hơn 40.342 tỷ đồng nhưng sau kiểm toán, con số này lên tới hơn 44.900 tỷ đồng. Tương tự, Công ty mẹ - Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam báo cáo giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 31.500 tỷ đồng nhưng sau kiểm toán lên tới hơn 33.500 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, thực tế có tình trạng kiểm kê sót tài sản hoặc phân loại tài sản để xử lý chưa đầy đủ. Một số đơn vị không xử lý các khoản tài chính như doanh thu, thu nhập khác, các khoản nợ phải thu, nợ phải trả. Cùng với đó là tình trạng kê khai thiếu giá trị lợi thế kinh doanh, các loại chi phí liên quan tới hạng mục này như như chi phí tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại. Hoặc có đơn vị như Vinafood2 còn áp dụng văn bản chưa có hiệu lực thi hành để tính toán, xác định giá trị doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quanh Thành, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, có tình trạng không tính toán tài sản của các ban quản lý dự án chuyển giao giữa các giai đoạn cho thấy dấu hiệu buông lỏng trong quản lý của các đơn vị.

Pháp luận chưa hoàn chỉnh, thẩm định chạy theo lợi ích

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính chỉ ra rằng, môi trường pháp lý về xác định giá trị doanh nghiệp nói chung, xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa DNNN nói riêng còn chưa hoàn chỉnh.

Theo thông lệ quốc tế thì xác định giá trị doanh nghiệp có nhiều phương pháp, nhưng phổ biến hiện nay các nước đang áp dụng gồm 5 phương pháp nhưng ở Việt Nam quy định cho phép áp dụng 2 phương pháp. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị tư vấn chỉ chọn áp dụng phương pháp tài sản là chủ yếu mà không áp dụng các phương pháp khác để kiểm chứng, trên cơ sở đó để lựa chọn mức giá phù hợp.

Dù phương pháp tài sản có nhiều ưu điểm, nhưng phương pháp này cũng bộc lộ không ít khiếm khuyết do đánh giá doanh nghiệp trong “trạng thái tĩnh”, ít chú ý đến việc nó còn có thể hoàn chỉnh, phát triển trong tương lai, nên nhiều trường hợp không phản ánh sát thực tế, bỏ qua giá trị vô hình không được hạch toán trên sổ sách dẫn đến giảm giá trị tài sản được đánh giá làm “méo mó” giá trị doanh nghiệp ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của Nhà nước.

Điều này đã được minh chứng bằng kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước như sau: Năm 2016, Kiểm toán nhà nước đã tiến hành kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp để cổ phần hóa của 07 đơn vị thì đã xác định vốn Nhà nước tăng thêm tại 06 doanh nghiệp theo phương pháp tài sản là: 4625 tỷ đồng; Nếu tổng hợp cả số liệu của 02 đơn vị đủ điều kiện định giá theo phương pháp dòng tiền chiết khấu thì giá trị vốn Nhà nước tại 06 doanh nghiệp đó tăng lên đến 13.698 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong các quy định hiện hành vẫn còn những vướng mắc chưa được hướng dẫn chi tiết như các vấn đề: xử lý tài chính, đánh giá lại giá trị thị trường các tài sản có trong doanh nghiệp; đặc biệt là giá trị quyền sử dụng đất (đất thuê, giao), lợi thế kinh doanh; định lượng các quy định về khả năng sinh lợi của doanh nghiệp…

Đáng lưu ý, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cũng thừa nhận, vẫn có công ty thẩm định giá chạy theo lợi ích, bóp méo giá trị thẩm định giá.

“Không ít chuyên gia có lợi ích cá nhân, không vượt qua được những hấp dẫn, làm sai lệch kết quả vì lý do này, lý do khác. Cơ quan chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước nên chọn các doanh nghiệp thẩm định giá thực sự có trình độ, chuyên sâu, chất lượng và uy tín để giao nhiệm vụ”, ông Tuấn nói.

TS Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, để khắc phục hạn chế này đòi hỏi cần hoàn thiện phương pháp định giá theo hướng áp dụng thêm một số phương pháp định giá mới, tiên tiến, phù hợp với cơ chế thị trường nhằm hoàn thiện các phương pháp xác định giá trị. Bên cạnh đó, để tăng cường trách nhiệm và chất lượng của công tác tư vấn định giá doanh nghiệp cổ phần hóa.

Phương Dung