Tiền Giang:
Giá tôm tăng cao, dân vẫn không dám thả giống vì hạn mặn
(Dân trí) - Trong những tháng đầu năm 2016, giá tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nằm ở mức cao nhưng tình hình hạn, mặn diễn biến khá phức tạp khiến người nuôi tôm lo lắng, chưa mạnh dạn thả giống.
Giá tôm có lợi cho nông dân
Hiện nay, hầu hết các ao tôm nước lợ thâm canh, bán thâm canh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang trong giai đoạn chuẩn bị ao đầm cho vụ tôm chính vụ năm 2016 nên sản lượng tôm cung ứng cho thị trường rất khan hiếm. Tuy nhiên, mấy ngày qua chỉ có tôm thẻ chân trắng tăng giá mạnh từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, còn tôm sú vẫn giữ giá ổn định ở mức khá cao trong tháng qua.
Ông Nguyễn Văn Sáu, nông dân nuôi tôm ở xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông cho biết: “Cách đây mấy ngày giá tôm thẻ chân trắng tăng mạnh từ 10.000 - 15.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 2/2016. Hiện nay, tôm thẻ chân trắng loại 60 con/kg được các thương lái thu mua với giá 125.000 - 130.000 đồng/kg, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg có giá từ 100.000-105.000 đồng/kg; tôm sú loại 40 con/kg được thương lái thu mua với giá 200.000 - 220.000 đồng/kg, tôm sú loại 30 con/kg có giá 230.000 - 240.000 đồng/kg”.
Theo ông Sáu, gia đình vừa thu hoạch ao tôm thẻ chân trắng 3.000 m2 được hơn 3 tấn tôm cỡ 100 con/kg, bán với giá 102.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí sản xuất gồm tiền giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, nhân công… còn lãi khoảng 100 triệu đồng sau hơn 2,5 tháng nuôi. Đây là mức lãi khá cao đối với nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá tôm nước lợ biến động liên tục nên người nuôi tôm chưa yên tâm sản xuất.
Hiện tại, giá tôm thẻ chân trắng tăng là do nhu cầu tôm thẻ chân trắng cỡ nhỏ phục vụ chế biến xuất khẩu tăng. Mặt khác, hiện nay các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh của Tiền Giang cũng như các tỉnh ĐBSCL đang trong giai đoạn cải tạo ao đầm, tiến độ thả giống chậm nên nguồn cung tôm cho thị trường khan hiếm.
Theo số liệu thống kê của tỉnh Tiền Giang, diện tích thả nuôi tôm toàn tỉnh đến thời điểm này đạt 2.157 ha; trong đó có 341 ha nuôi thâm canh (310 ha tôm thẻ chân trắng, 31 ha tôm sú). Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh chỉ có trên 10 ha tôm thẻ chân trắng thu hoạch với sản lượng tôm trên 74 tấn, tôm sú thu hoạch theo hình thức thu tỉa, thả bù chỉ hơn 5 tấn.
Thời tiết gây bất lợi
Ngay từ đầu năm 2016, Chi cục Thủy sản đã thực hiện công tác quan trắc môi trường tại vùng nuôi tôm trọng điểm ngay từ đầu năm 2016 với tần suất 02 lần/tháng. Theo kết quả quan trắc môi trường của Chi cục Thủy sản, độ mặn tại nguồn nước một số vùng nuôi tôm tập trung của tỉnh cũng đang ở mức cao.
Cụ thể, ngày 15/3, độ mặn tại Cống Rạch Xẻo (xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông) là 29‰; độ mặn tại cồn Vạn Liễu và cồn ông Mão (xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông) là 31‰; tại Kênh Võ Văn Hên và Kênh Khe Luông Cạn (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông) có độ mặn là 23‰.
Ông Lê Quang Chánh, nông dân có ao tôm diện tích hơn 3.200 m2 ở xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông cho biết: “Cuối tháng 1, đầu tháng 2 thì nhiệt độ lạnh là điều kiện phát sinh bệnh đốm trắng; từ tháng 3 đến nay thì hạn hán, độ mặn tăng cao không có lợi cho sự phát triển của tôm và nghe các cán bộ thủy sản nói là dễ phát sinh bệnh hoại tử gan tụy trên tôm. Do đó dù giá tôm gần đây nằm ở mức cao nhưng tôi cũng như nhiều bà con nuôi tôm ở đây chưa dám thả giống cho vụ tôm chính vụ năm 2016”.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản, tính đến ngày 15/3/2016, tiến độ thả giống tôm nước lợ của tỉnh chậm so với các năm trước do thời tiết lạnh vào buổi sáng trong cuối tháng 1, đầu tháng 2 và tình trạng hạn mặn trong cuối tháng 2 đầu tháng 3. Cụ thể, hiện diện tích thả nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh là 341 ha (chiếm 15% diện tích nuôi tôm của tỉnh), diện tích tôm bệnh là 124,4 ha (chiếm 6% diện tích đã thả nuôi).
Để hạn chế các rủi ro cho người nuôi tôm do tình trạng hạn, mặn đang và sẽ diễn ra gay gắt. Ông Phan Hữu Hội, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Tiền Giang khuyến cáo: “Người nuôi tôm không nên thả giống trong thời gian khắc nghiệt từ tháng 3 đến tháng 5 để tránh thiệt hại; chỉ những hộ nuôi có đủ điều kiện điều tiết độ mặn, nhiệt độ và quản lý tốt các yếu tố môi trường mới thả nuôi”.
Thành Công