ĐBSCL:
Giá tôm sú tăng cao, người nuôi vẫn e dè
(Dân trí) - Mấy ngày nay, giá tôm sú tại vùng ĐBSCL tăng cao, từ 30.000 - 50.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Thế nhưng người nuôi vẫn "bình chân như vại", chỉ nuôi cầm chừng.
Giá liên tục “leo thang”
Cách đây 3 tuần, tại Gò Công Đông (Tiền Giang), thương lái đến thu mua tôm sú tại vuông giá rất cao, nếu so với cùng kỳ tăng từ 20.000 – 30.000đồng/kg. Cụ thể giá tôm sú nguyên liệu loại 30 con/kg được các thương lái đến tận ao thu mua với giá 220.000 đồng/kg; tôm sú loại 40 con/kg có giá 180.000 đồng/kg.
Bước sang tháng 3, giá tôm sú tiếp tục “leo thang”, tại các tỉnh có vùng nuôi tôm lớn như Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang,… cũng đồng loạt tăng giá. Riêng tại Bạc Liêu, giá bán tôm sú cao hơn các tỉnh trong khu vực từ 10.000 – 20.000 đồng/kg tuỳ kích cỡ. Cụ thể, giá tôm sú sống loại 30 con/kg giá trên 300.000 đồng, loại 20 con/kg giá 340.000 đồng, tôm muối đá loại 30 con/kg giá 190.000 đồng. Mức giá này tăng so với cùng kỳ từ 30.000 - 50.000 đồng/kg tùy theo cỡ.
Theo anh Nguyễn Thành Quang - một thương lái mua tôm ở Bạc Liêu cho biết, sỡ dĩ giá tôm sú tăng cao là vì thời điểm này các vùng nuôi tôm trong cả nước, cũng như vùng ĐBSCL đã vào cuối vụ, sản lượng tôm thu hoạch bắt đầu giảm.
“Ngoài ra, do nhu cầu chế biến tôm xuất khẩu của các doanh nghiệp vào dịp cuối năm và đầu năm tăng cao, cộng với sản lượng tôm của các nước xuất khẩu tôm trên thế giới đang khan hiếm nên giá tôm trong nước thời gian gần đây liên tục tăng”, anh Quang cho biết.
Ông Ngô Văn Đức - một hộ nuôi tôm xã Định Trung, huyện Bình Đại (Bến Tre) cho biết: “Gia đình tôi có 5.000m2 mặt nước nuôi tôm sú, hiện tại tôm sú của gia đình tôi đã đạt 30 con/kg với năng suất trên 1,5 tấn, thương lái báo giá 280.000 đồng/kg thu mua tại ao, thấp hơn ở Bạc Liêu 20.000 đồng. Tuy nhiên với giá này, sau khi trừ chi phí, tôi còn lãi trên 200 triệu đồng, giúp gỡ lại chút vốn do vụ rồi mất trắng.”
Theo nhiều nông dân nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh ở Bến Tre, Bạc Liêu, Tiền Giang, hiện giá thành nuôi tôm sú khoảng 100.000 – 120.000 đồng/kg, tôm chân trắng giao động từ 70.000 – 80.000đồng/kg. Như vậy, với năng suất bình quân khoảng 5 tấn/ha (tôm sú) và 9 tấn/ha (tôm chân trắng), nếu bà con bán tôm vào thời gian này thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng/ha đối với tôm sú và từ 200 - 300 triệu đồng/ha đối với tôm chân trắng.
Người nuôi vẫn e dè
Mặc dù vậy song nhiều hộ nuôi tôm vẫn dè dặt nuôi thả lại.
Chị Nguyễn Thị Lan - một hộ nuôi tôm ở Giá Rai (Bạc Liêu) cho biết, gia đình chị đã “đeo” con tôm sú gần 10 năm nay nhưng chưa năm nào “vất vả” như năm rồi, tính đến hết năm, gia đình mất trắng gần 1 tỷ đồng cho 1 ha nuôi tôm sú.
Chị Lan nói: “Thấy giá tôm tăng cao nhưng gia đình tôi cũng như một số hộ nuôi tôm ở đây vẫn “bình thản” vì thấy rằng dịch bệnh trên tôm vẫn chưa được khống chế. Chúng tôi cũng nghe theo khuyến cáo của ngành chức năng địa phương, xử lý ao tốt, cẩn thận trong khâu con giống, nhất là mật độ thả giảm lại,…nhưng chỉ dám nuôi lại 2/3 diện tích thôi.”
Anh Nguyễn Văn Trung - có hơn 5 năm nuôi tôm ở xã Vĩnh An, huyện Ba Tri (Bến Tre) cho biết: “Thời điểm này là nghịch vụ, giá thường cao gấp 2 lần so với chính vụ. Tuy nhiên, bệnh tình trên tôm còn đang lan rộng, cộng với thời tiết nắng nóng kéo dài nên gia đình tôi chưa dám mạo hiểm thả lại. Mặc dù vụ rồi, vừa thu hoạch 4.000m2 tôm sú, kiếm lời hơn 200 triệu đồng”.
Theo Chi cục Thủy sản Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thả nuôi tôm trên diện tích hơn 5.000 ha; trong đó có hơn 1.300 ha tôm sú nuôi thâm canh và bán thâm canh, gần 1.700 ha tôm chân trắng và hơn 2000 ha tôm nuôi quảng canh cải tiến. Đến nay đã có 3.317 ha ao tôm (chiếm 65,2% diện tích nuôi tôm) đã thu hoạch với sản lượng 11.065 tấn.
Riêng tại Bạc Liêu có diện tích nuôi tôm hơn 125.000 ha, trong đó nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp hơn 10.000ha.
Còn tại Bến Tre diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh của tỉnh Bến Tre là khoảng trên 4.862 ha, trong đó hai loại chủ yếu là tôm sú và tôm chân trắng.
Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài, nhiệt độ dao động lớn giữa ngày và đêm, một số hộ nuôi tuân thủ lịch thời vụ nên tại nhiều địa phương người dân nuôi tôm công nghiệp chưa dám thả nuôi đại trà, dù giá bán tôm rất hấp dẫn.
Nguyễn Hành