Thanh Hóa:

Giá thịt lợn tăng không dừng, lo ngại tiếp tục "phi mã" dịp cận Tết

(Dân trí) - Những tháng gần đây, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giá thịt lợn liên tục tăng với tốc độ “phi mã” và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo dự báo, từ nay đến cận Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 giá mặt hàng này có thể sẽ còn tiếp tục tăng mạnh.

Có thể nói, thịt lợn là thực phẩm chính trong bữa ăn hàng ngày của người dân, bởi đây là món ăn có giá cả phải chăng, dễ chế biến.

Theo khảo sát tại các chợ dân sinh trên địa bàn TP Thanh Hóa, giá thịt lợn đã tăng ở mức từ 20 - 30%. Theo các tiểu thương chuyên kinh doanh thịt lợn ở chợ Đầu mối Rau quả thực phẩm Đông Hương (phường Đông Hương, TP Thanh Hóa) giá thịt lợn tại chợ tăng cao khiến khách mua cũng có phần e dè hơn trước, lượng hàng bán ra của các tiểu thương sụt giảm.

Giá thịt lợn tăng không dừng, lo ngại tiếp tục phi mã dịp cận Tết - 1

Giá thịt lợn tăng chóng mặt ngày cận Tết. 

Nếu trong những tháng trước, giá thịt ba chỉ chỉ có 70.000 đồng/kg thì nay tăng đến 110.000 đồng/kg; thịt nạc vai tăng từ 90.000 đồng lên 170.000 đồng/kg. Các loại xương và thịt khác cũng tăng từ 15.000 – 20.000 đồng/kg...
Chị Hoàng Thị Thủy, phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa cho hay, thời điểm giá thịt lợn khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg thì số lượng sử dụng thịt lợn vào bữa ăn chính của gia đình chị khoảng 3 đến 4 bữa/tuần.

Tuy nhiên, do giá thịt lợn tăng nhanh, tính ra cao hơn cả thịt gà, ngan, vịt, nên bà đã sử dụng các loại thịt thay thế cho thịt lợn, giảm số lượng thịt lợn sử dụng vào bữa ăn chỉ còn 1 bữa/tuần.

Từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, dự báo giá thịt lợn còn tiếp tục tăng, chị Thủy mong muốn, các cơ quan chức năng sớm có giải pháp bình ổn lại giá thịt để nhiều người dân được sử dụng nguồn thực phẩm thông dụng và dễ chế biến này.

Là chủ của một nhà hàng trên địa bàn phường Đông Hương, TP Thanh Hóa, anh Anh Trịnh Công Thụ - lo ngại: Giá thịt lợn tăng cao chóng mặt, nếu không được bình ổn sớm sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của nhà hàng. Giá lợn tăng cao, đồng nghĩa với việc các dịch vụ của nhà hàng cũng phải tăng giá, do vậy lượng khách cũng sụt giảm nhiều.

Bà Nguyễn Thị Gìn - tiểu thương chợ Đầu mối Rau quả thực phẩm Đông Hương (phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa) - chia sẻ: “Bình thường, chúng tôi tiêu thụ 7 đến 8 tạ lợn/ngày, nhưng thời điểm này ngày cao điểm cũng chỉ tiêu thụ được khoảng 2 đến 3 tạ. Mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc bình ổn lại giá, để Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 cung và cầu hài hòa, để người dân được sử dụng thịt lợn và chúng tôi còn kinh doanh được…”.

Để bình ổn, kiểm soát thị trường; đồng thời, giúp người tiêu dùng giảm áp lực về chi phí sinh hoạt, hiện Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường tuyên truyền cho người tiêu dùng giảm bớt số lượng sử dụng thịt lợn trong bữa ăn để thay thế bằng các thực phẩm khác, như: trâu, bò, gà, vịt, cá... 

Cùng với đó, để bảo đảm chất lượng cho các sản phẩm thực phẩm, trong đó có sản phẩm thịt lợn trong dịp cuối năm, ngành công thương tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về kinh doanh sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm. 

Ông Lữ Minh Thư, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết, để giảm việc tăng giá, ngành công thương đang cùng ngành nông nghiệp và các địa phương định hướng cho người tiêu dùng dùng các thực phẩm khác thay thế cho sản phẩm thịt lợn. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành Kế hoạch chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường quản lý các thực phẩm từ ngoài tỉnh đưa vào trong tỉnh.

Đặc biệt, thời gian vừa qua Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh (Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng quản lý thị trường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm tránh đưa những sản phẩm thịt lợn không đảm bảo vệ sinh an toàn để đưa vào thị trường tiêu thụ…

Bộ Công Thương cũng đang nghiên cứu để có cơ chế, chính sách để nhập khẩu thịt lợn ở nước ngoài về, tuy nhiên giải pháp này cũng cần tính toán đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...

Liên quan đến vấn đề này, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời liên quan đến việc tái đàn, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm quy định, điều kiện về tái đàn lợn.


Đồng thời, Sở phối hợp với chính quyền các địa phương tập trung hướng dẫn kỹ thuật cho các cơ sở chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, thường xuyên khử trùng, tiêu độc....

Hy vọng rằng với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, giá lợn sẽ sớm được bình ổn, để người dân có nguồn thực phẩm đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 an toàn, tiết kiệm…

Bình Minh