Giá thép trong nước lại lao dốc

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Từ giữa tháng 11 đến nay, thị trường thép trong nước trải qua 2 lần điều chỉnh giảm giá, hôm 16/11 là giảm 300.000 đồng/tấn và hôm nay là 400.000 đồng/tấn.

Giá thép trong nước lại lao dốc - 1

Giá thép hạ nhiệt là tin vui đối với các nhà thầu (Ảnh minh họa: IT).

Một số doanh nghiệp thép nội địa vừa có thông báo gửi tới khách hàng về việc giảm giá thép, bắt đầu từ ngày 6/12.

Theo đó, thép cây và thép cuộn các loại được điều chỉnh giảm 400.000 đồng/tấn. Lý do được doanh nghiệp cho biết là giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào giảm.

Sau giảm giá, hiện giá thép trong nước vẫn còn cao. Một doanh nghiệp xây dựng cho biết, đơn giá cho thép Hòa Phát mà họ đang chi trả vẫn dao động ở mức 16.660 - 16.760 đồng/kg (chưa VAT) tùy loại.

Gần đây nhất (16/11), trước tình hình nguyên liệu đầu vào giảm, các doanh nghiệp thép trong nước cũng đã tiến hành giảm giá cả thép cây và thép cuộn các loại 300.000 đồng mỗi tấn.

Theo báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam, tháng 10 năm nay, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,87 triệu, tăng 19,36% so với tháng trước và tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Bán hàng thép các loại đạt 2,67 triệu tấn, tăng lần lượt 20,55% so với tháng trước và 36,4% so với cùng kỳ.

2021 có thể được coi là một năm đáng nhớ với mức tăng kỷ lục của giá thép. Hệ quả của đà tăng giá thép cũng như các vật liệu xây dựng khác đã đẩy giá công trình xây dựng lên mặt bằng mới.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu - ngành xây dựng hiện có trên hơn 2.000 nhà thầu. "Các nhà thầu phải đối mặt với bão giá, giá thép có lúc tăng 40%. Nhiều loại nguyên vật liệu khác còn vừa tăng giá vừa khan hiếm", ông Hiệp nói.

"Dở khóc dở cười" vì bão giá nguyên vật liệu, ông Hiệp cho biết nhà thầu xây dựng ở trong cảnh vừa khó tìm việc, vừa lại không dám nhận việc.

Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Tuyên Quang, cũng cho biết, giá vật liệu xây dựng đang gây áp lực rất lớn đối với ngành xây dựng. Trước đó, ở các hợp đồng chỉ tính toán ở mức tăng giá trên dưới 5%. Bởi khi đấu thầu, nếu giá thép vẫn tăng 5% thì vẫn có lãi. Nhưng vừa rồi, ông Thập cho biết, chưa từng có trong lịch sử, giá thép tăng tới 50%.

Trong các báo cáo về thị trường, giới chuyên gia cho rằng Covid-19 được kiểm soát giúp các hoạt động kinh tế diễn ra sôi động hơn, các dự án đầu tư công được triển khai mạnh mẽ, những dự án bất động sản trên toàn quốc cũng sôi động hơn, tạo đà tiêu thụ mạnh vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép khiến giá các mặt hàng này sẽ tiếp tục neo cao.

Trong khi đó, giá thép tăng mạnh đã gây ra rất nhiều khó khăn cho nhà thầu, chủ đầu tư. Không ít doanh nghiệp đã không thể tiếp tục thi công vì tiếp tục làm thì lỗ, đành để mặc dự án "đắp chiếu".