Giá than quốc tế 50 - 54 USD/tấn, Việt Nam nhập từ Trung Quốc 71 USD/tấn!

(Dân trí) - Như Dân Trí đã đưa tin, 8 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 9,7 triệu tấn than, vượt 3 lần so với dự kiến và vỡ kế hoạch nhập khẩu mặt hàng trong năm 2016 mà Bộ Công Thương đưa ra. Điều đáng nói là trong 3 thị trường cung cấp than cho Việt Nam là Nga, Trung Quốc và Indonesia, giá nhập than Trung Quốc lại đắt gấp gần 1- 2 lần so với hai đối tác trên.

Trao đổi với PV Dân Trí về vấn đề này, Chuyên gia Kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh cho biết: Trong bối cảnh các nguyên, nhiên liệu trên thế giới đang giảm mạnh theo đà giảm của dầu thô, thì cần xem xét mặt hàng than nhập từ Trung Quốc tại sao đắt vậy?

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu than từ Nga 8 tháng qua đạt 2,8 triệu tấn, kim ngạch hơn 179 triệu USD; Trung Quốc với 1,4 triệu tấn, kim ngạch 100 triệu USD và Indonesia với 1,8 triệu tấn, kim ngạch đạt 80 triệu USD…

Việt Nam nhập than từ Trung Quốc với giá đắt
Việt Nam nhập than từ Trung Quốc với giá đắt

Tính ra, mức giá nhập khẩu trung bình than từ Nga là khoảng 63 USD/ tấn; giá than nhập trung bình từ Indonesia là 44 USD/ tấn. Cao nhất là giá than nhập khẩu từ Trung Quốc với 71 USD/tấn, gấp gần 2 lần so với than nhập từ Indonesia.

Theo ông Doanh: "Trước đây giá than trong nước khá thấp, vì không đủ để Tập đoàn Than khoáng sản đủ lãi cho nên Tập đoàn này đề nghị mở rộng xuất khẩu với giá quốc tế cao hơn để bù lỗ trong nước. Khi được Bộ Công Thương chấp thuận, tập đoàn này khai thác chủ yếu loại than có giá trị xuất khẩu là than antraxit và xuất khẩu số lượng lớn sang Trung Quốc, Nhật Bản. Lúc này rất nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo Việt Nam hoang phí tài nguyên bởi lo ngại mức giá bán không theo giá quốc tế".

Ông Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng ban Quản lý Dự án khai thác than Đồng bằng Sông Hồng đưa giả thiết có thể giá cao là loại than mỡ, than chuyên dụng cho nhà máy thép. "Về việc nhập khẩu than với đơn giá cao từ Trung Quốc là 71 USD/tấn, có thể là loại than mỡ dùng cho luyện cốc (một trong những phân đoạn của sản xuất thép). Còn việc nhập khẩu than từ Nga, Indonesia là do nhu cầu trong nước, giá nguyên liệu khoáng sản đang xuống chúng ta tận dụng nhập về", ông Sơn nói.

Tuy nhiên, theo một DN luyện thép trong nước, giá than mỡ hiện tại dù có giảm từ 200 USD/tấn (năm 2014) nhưng vẫn ở mức từ 125 - 150 USD/tấn, tùy theo thời điểm, đơn hàng và vận tải chuyên chở. Việc nhập than với giá 71 USD/tấn rất khó có thể là than mỡ.

Điều này phù hợp với thông tin về số lượng than nhập khẩu về Việt Nam trong năm 2016 mà đầu năm Bộ Công Thương và Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam đưa ra là khoảng 3 triệu tấn cho các nhà máy nhiệt điện của TKV. Trong khi các dự án thép vẫn chưa dự án lớn nào đi vào vận hành, cả kể Formosa (Hà Tĩnh). Do đó, không thể có việc tăng nhập khẩu than mỡ đột biến như vậy chỉ trong thời gian ngắn được.

Bên cạnh đó, theo cập nhật về chỉ số giá hàng hóa trên thế giới của Trung tâm Dữ liệu hàng hóa Thương mại Quốc tế (Hoa Kỳ) từ đầu năm đến hết tháng 7/2016 giá than xuất khẩu trung bình của thế giới chỉ ở ngưỡng từ 50 - 54 USD/tấn, mức giá thấp nhất so với thời điểm từ tháng 1/2015 và chỉ tháng 9/2015 mới thực sự tăng trở lại gần 72 USD/tấn. Tuy nhiên, đơn giá than từ Trung Quốc xuất sang Việt Nam tính đến hết tháng 8/2016, đắt hơn so với đơn giá trung bình cùng kỳ ở các thị trường châu Á, châu Âu và châu Úc đang áp dụng.

Dữ liệu giá than theo thống kê của Trung tâm dữ liệu hàng hóa quốc tế (Hoa Kỳ)
Dữ liệu giá than theo thống kê của Trung tâm dữ liệu hàng hóa quốc tế (Hoa Kỳ)

TS Lê Đăng Doanh bình luận: "Thực tế, nhập khoáng sản về phục vụ sản xuất là việc bình thường trong nguyên tắc thương mại quốc tế. Tuy nhiên, ở đây phải xem việc chúng ta xuất than đẹp nhưng giá theo hợp đồng nguyên tắc hai bên, không phải theo giá thị trường nhằm giúp đối tác thường xuyên nhập than để ổn định sản xuất ngành, nuôi sống công nhân. Trong khi đó, giờ đây chúng ta phải nhập than theo giá thị trường hàng hóa quốc tế, thậm chí cao hơn. Tôi không biết có phải Việt Nam nhập than mỡ hay không, nhưng nếu nhập than chất lượng thấp, với giá cao chỉ để phát điện thì đáng hổ thẹn, lãng phí tài nguyên", TS Doanh nêu rõ.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh thêm: Hiện, yếu tố làm cho nhiều người lo ngại chính là việc nhiều ngành công nghiệp nặng của Việt Nam, cả tư nhân và nhà nước đang sử dụng công nghệ, máy móc và dây chuyền nhiên, nguyên liệu từ Trung Quốc. Các nhà máy xi măng công suất nhỏ tại Hải Dương, Kiên Giang, Thanh Hóa, Ninh Bình của tư nhân đều nhập từ Trung Quốc và tiêu thụ than đốt rất lớn. Các nhà máy thép thành phẩm, phôi thép cũng vậy, sử dụng công nghệ Trung Quốc thâm dụng tài nguyên, chất đốt. Đặc biệt, gần đây, một số nhà máy nhiệt điện thuộc Sơ đồ Điện VII ở Đồng bằng Sông Cửu Long có sử dụng công nghệ, dây chuyền của Trung Quốc...

"Nếu Việt Nam vẫn "sùng bái" công nghệ Trung Quốc ở những ngành công nghiệp nặng cơ bản mà họ đang muốn thải đi vì quá dư công suất, chắc chắn chúng ta sẽ rơi vào lợi ích của họ: bán công nghệ, chi phối rồi bán nguyên liệu đầu vào cho Việt Nam", ông Doanh khẳng định.

Nguyễn Tuyền