“Gia nhập tập đoàn phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện…”
(Dân trí) - “Việc gia nhập tập đoàn phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện và phải được bàn bạc của tất cả các thành viên” là ý kiến của TS. Cao Sĩ Kiêm xung quanh Đề án thí điểm thành lập 2 Tập đoàn kinh tế do Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng.
Ngày 30/7, Bộ Xây dựng đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm thành lập Tập đoàn công nghiệp xây dựng Việt Nam và Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam.
Theo đó, Tập đoàn công nghiệp xây dựng Việt Nam là tên gọi chung của tổ hợp: Tổng công ty Sông Đà (làm nòng cốt), Tổng công ty Sông Hồng, Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA), Công ty đầu tư phát triển - xây dựng (nay là Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển - xây dựng DIC.Corp), Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng (Licogi).
Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị bao gồm các thành viên: Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà và đô thị - HUD (làm nòng cốt), Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng, Tổng công ty xây dựng Hà Nội (HANCORP), Tổng công ty thủy tinh và gốm xây dựng (Vilacerga), Tổng công ty đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Việt Nam (VIWASEEN).
Xung quanh đề án thí điểm thành lập 2 tập đoàn kinh tế của Bộ Xây dựng trình Chính phủ, TS. Cao Sĩ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng: Điều tiên quyết khi thành lập tập đoàn là phải xuất phát từ yêu cầu bức thiết, đòi hỏi của lĩnh vực ấy. Như vậy thì khi thành lập ra hoạt động mới có kết quả, còn nếu thành lập ra theo ý chủ quan, chưa đủ điều kiện thì sẽ gặp khó khăn.
“Đã là đề án thí điểm thì khả năng thành công và không thành công là 50-50. Do vậy, nếu tốt lên thì không sao, nhưng nếu không tốt lên thì sẽ ảnh hưởng tới hàng loạt Tổng công ty khác. Thiết nghĩ, nếu Chính phủ làm thí điểm thì có thể thực hiện riêng một Tổng công ty nào đó hoặc gộp các Tổng công ty có quy mô nhỏ lại. Và nếu sau này thành công thì triển khai thêm một bước nữa” - Một doanh nghiệp nêu ý kiến. |
Lan Hương