Vẫn nhiều băn khoăn về “Tập đoàn kinh tế”

(Dân trí) - “Vốn chỉ là một yếu tố, điều quan trọng mà chúng ta cần xem xét là chiến lược phát triển ngành nghề, cơ hội sinh lời và khả năng cạnh tranh… Tất cả những thứ đó nếu không tính đến thì không thể gọi là tập đoàn” - Tổng Giám đốc Lilama khẳng định.

Đề xuất khác Bộ Xây dựng

Thông tin về việc Bộ Xây dựng đang chuẩn bị thành lập 2 tập đoàn kinh tế (trong đó Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Cơ khí nặng do Tổng Công ty Sông Đà làm nòng cốt và Tập đoàn phát triển nhà và đô thị do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đô thị (HUD) làm nòng cốt) đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Có ý kiến đồng tình nhưng cũng có ý kiến cho rằng sắp xếp như vậy là chưa hợp lý. Và một trong những quan điểm không thống nhất với đề xuất của Bộ Xây dựng đã được đưa ra tại hội thảo bàn về việc thành lập tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực xây dựng, cơ khí, lắp máy Việt Nam diễn ra ngày 7/8 do Hiệp hội năng lượng Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam phối hợp tổ chức.

Vẫn nhiều băn khoăn về “Tập đoàn kinh tế” - 1
Nhiều ý kiến xung quanh việc thành lập 2 tập đoàn kinh tế của bộ Xây dựng (ảnh minh hoạ).

Tại hội thảo, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam cho rằng, mô hình tập đoàn kinh tế không nên gồm nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau, như vậy sẽ phân tán lực lượng không chuyên môn hoá cao và khó tập trung được sức mạnh về kỹ thuật cũng như công nghệ.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam nói: “Cần phải tập trung phát triển ngành cơ khí có hiệu quả, bền vững, trên cơ sở phát huy mọi nguồn lực trong nước kết hợp với nguồn lực bên ngoài. Đổi mới, sắp xếp, phát triển và củng cố doanh nghiệp nhà nước về cơ khí đủ mạnh để giữ vai trò nòng cốt, là lực lượng chủ lực của ngành”.

Bởi theo phân tích của ông Thụ, ngành cơ khí nước ta hiện mới đạt trình độ gia công kết cấu thép, chưa có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại để nâng tầm thực hiện phần cơ khí chế tạo máy chất lượng cao. Trong khi đó, thị trường của ngành cơ khí Việt Nam rất lớn. Nếu chúng ta không đầu tư thì ngành cơ khí Việt Nam sẽ mất thị trường, đồng thời trở thành một thị trường tiêu thụ sản phẩm ngoại.

Vì vậy, sau khi nghiên cứu xem xét, Hiệp hội năng lượng Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí đề xuất với Chính phủ cho thành lập 2 tập đoàn sau: Thứ nhất, tập đoàn xây dựng công nghiệp, dân dụng, BĐS Việt Nam lấy Tổng Công ty Sông Đà làm nòng cốt. Tập đoàn này gồm các tổng công ty, các công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp, khu đô thị, xây dựng dân dụng, kinh doanh BĐS…

Thứ hai, tập đoàn công nghiệp cơ khí và lắp máy Việt Nam lấy Tổng công ty lắp máy Việt Nam làm nòng cốt. Tập đoàn này bao gồm các tổng công ty, các công ty hoạt động trong lĩnh vực chế tạo, sản xuất cơ khí, lắp máy và các dịch vụ hoạt động khác kèm theo.

Nhiều lo ngại cho mô hình tập đoàn mới

Buổi hội thảo cũng có sự góp mặt của đại điện hai đơn vị được đề xuất làm nòng cốt cho 2 tập đoàn kinh tế. Ông Lê Văn Quế, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Sông Đà cho rằng mô hình tập đoàn cũng có thể có 2 dạng, một là thành lập theo hướng chuyên ngành hoặc thành lập từ việc tập hợp các đơn vị vào với nhau dưới dạng đa ngành.

“Không nhất thiết phải theo mô hình nào mà quan trọng là việc thành lập như thế nào để đưa ra phương án tốt nhất, để xây dựng được một tập đoàn có đủ sức mạnh” - ông Quế nói.

Còn ông Phạm Hùng, Tổng Giám đốc Lilama thì có một góc nhìn khác. Theo quan điểm của ông, nếu thành lập tập đoàn mà chỉ vì muốn tập trung vốn là không đúng.

Vốn ở đây chỉ là một yếu tố, nếu không nói là thứ yếu, điều quan trọng mà chúng ta cần xem xét đó là chiến lược phát triển ngành nghề, phát huy mũi nhọn, cơ hội sinh lời và khả năng cạnh tranh. “Tất cả những thứ đó nếu không tính đến thì không thể gọi là tập đoàn” - ông Hùng khẳng định.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên, mặc dù Bộ trưởng Xây dựng đã chỉ đạo 2 đơn vị triển khai xây dựng, hoàn thành Đề án thí điểm thành lập 2 Tập đoàn kinh tế Nhà nước trước ngày 30/7, nhưng cho đến thời điểm vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn.

Một số tổng công ty cho biết, họ cảm thấy lo ngại về một mô hình tập đoàn kinh tế không hiệu quả trong tương lai. Nhất là cho đến bây giờ, những vấn đề như: mô hình thành lập, cơ cấu tổ chức, tính hiệu quả và cả quyền lợi của các thành viên tham gia (là những tổng công ty sẽ phải gia nhập 1 trong 2 đơn vị nòng cốt) chưa được làm rõ.

Đây thực sự là những vấn đề mà Chính phủ và cả các cơ quan đề xuất cần phải nghiên cứu kỹ khi quyết định thành lập thêm những tập đoàn kinh tế nhà nước.

Lan Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm