Giá nhà đất cao làm khó "giấc mơ Trung Quốc"

Giá nhà cao ngất ngưởng ở Trung Quốc đã khiến người tiêu dùng phải chắt bóp từng đồng, hạn chế nghiêm trọng khả năng tiêu dùng và sự sẵn sàng tiêu dùng của họ.

Zhou Xin và những người bạn của mình cuối tuần nào cũng về những vùng ngoại ô Bắc Kinh để tận hưởng không khí thư dãn, trong lành và thưởng thức một bữa BBQ bên bờ sông. Đây là cách họ xả stress sau 5 ngày làm việc mệt mỏi trong văn phòng. Nhưng gần đây, Zhou phải từ bỏ các chuyến đi dù anh là người thích nhất. Lý do là anh đã mua một căn hộ và phải tiết kiệm từng đồng để trả góp hằng tháng cho khoản vay mua nhà của mình.

 

Không phải là Zhou không kiếm đủ tiền. Trên thực tế, anh kiếm được 10.000 tệ (hơn 1.600USD) một tháng, cao gần gấp đôi mức lương trung bình ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, mỗi tháng anh phải bỏ ra 2,5 triệu tệ để trả cho không gian 36m2 để được gọi là nhà.
 
Giá nhà đất cao làm khó giấc mơ Trung Quốc

 

Zhou là một trong số hàng triệu người Trung Quốc chịu hậu quả của việc giá nhà đất đã và đang tiếp tục tăng cao. Từ tháng 9.2012 đến tháng 8.2013, trung bình giá bất động sản ở Bắc Kinh tăng từ 28.600 tệ lên 38.000 tệ/m2. Tình hình này cũng giống như nhiều thành phố khác và chưa thấy có dấu hiệu thay đổi.

 

Một số người cho rằng sở hữu một ngôi nhà không phải là tất cả. Nhưng ở Trung Quốc, giống như ở phần lớn các nước khác, ngôi nhà là biểu tượng của sự tôn trọng và là nơi đảm bảo an toàn cho các thành viên trong gia đình. Giống như những nước phương Tây khác, tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc được xem là có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua khả năng tiêu dùng cao.

 

Một số cuộc khảo sát cho thấy tiêu dùng của tầng lớp trung lưu đóng góp 70% vào tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước phương Tây. Con số này ở Trung Quốc là 35%, nhưng chính phủ hy vọng đẩy mạnh cải cách để gia tăng số liệu trên. Một bài báo hồi tháng 6 trên BBC thậm chí còn hy vọng rằng tiêu dùng của tầng lớp trung lưu Trung Quốc sẽ giúp thế giới thoát khỏi suy thoái kinh tế.

 

Tuy nhiên, không giống như phương Tây, giá nhà cao ngất ngưởng ở Trung Quốc đã khiến người tiêu dùng phải chắt bóp từng đồng, hạn chế nghiêm trọng khả năng tiêu dùng và sự sẵn sàng tiêu dùng của họ. Nhiều người như Zhou phải đặt ưu tiên hàng đầu là tiết kiệm để trả tiền nhà, sau đó họ cắt giảm chi tiêu, thậm chí cả những món tiêu dùng thiết yếu để bù vào khoản trả góp hằng tháng.

 

Một tác động tiêu cực khác của giá bất động sản tăng cao là khoảng cách xã hội ngày càng lớn. Ba năm trước, một số nhà kinh tế đã nhận ra sự xuất hiện của một nhóm lợi ích khổng lồ, hưởng lợi từ những dòng vốn ồ ạt vào lĩnh vực bất động sản. Họ sợ rằng về lâu dài một nhóm nhỏ đó sẽ nắm giữ phần chóp của kim tự tháp thị trường nhà đất, trong khi đa số người dân có nhu cầu thực sự ngày càng khó khăn hơn để sở hữu một căn nhà.

 

Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ ngay cả khi người dân không muốn mua nhà mà chỉ đi thuê, họ cũng chịu hậu quả của giá nhà đất tăng cao, bởi giá thuê nhà cũng theo đó mà tăng. Văn phòng quốc gia về số liệu thống kê cho biết giá thuê nhà ở Bắc Kinh tăng liên tục trong 52 tháng liên tiếp, khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh. Nhiều cửa hàng phải đóng cửa vì không đủ khả năng trả tiền thuê mặt bằng ngày càng cao.

 

Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình nói về "giấc mơ Trung Quốc" vào năm ngoái, các bộ ban ngành Trung Quốc đã phối hợp tích cực để hiện thực hóa mục tiêu này. Đối với toàn bộ đất nước, "giấc mơ Trung Quốc" có nghĩa là duy trì ổn định xã hội, bảo đảm tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng chung, đồng thời xây dựng một tương lai an toàn. Tuy nhiên, đối với một hộ gia đình bình thường, "giấc mơ Trung Quốc" của họ nghĩa là cuộc sống tốt đẹp hơn. Việc giữ giá nhà đất trong một giới hạn hợp lý là điều cần thiết để thực hiện được ước mơ của cả dân tộc và cá nhân.

 

Giá bất động sản Trung Quốc tiếp tục tăng trong tháng 8 ở 69 trong số 70 thành phố lớn, là tháng tăng thứ 4 liên tiếp. Theo Cục Thống kê Quốc gia, giá nhà mới ở Bắc Kinh tăng 14,9% trong tháng 8 kể từ năm ngoái, giá nhà ở Thượng Hải tăng 15,4%. Khoảng 25% tổng đầu tư ở Trung Quốc đổ vào bất động sản, khiến đây trở thành một trong những lĩnh vực có tỉ lệ tăng trưởng quan trọng nhất. Trung Quốc đang cố gắng kiềm chế giá bất động sản vì lo ngại bong bóng sẽ xuất hiện. Giới phân tích cho rằng chính phủ có thể sẽ tiến hành các biện pháp để giảm tình trạng đầu cơ trên thị trường.

 

Theo Vân Anh

Lao động