Giá khẩu trang trên "chợ mạng" tăng chóng mặt, siêu thị xuất kho "hạ nhiệt"
(Dân trí) - Nhiều siêu thị lớn như Co.opmart, Co.opXtra, VinMart… đã tung hàng chục triệu khẩu trang ra thị trường sau khi nhận thấy giá khẩu trang đang tăng “chóng mặt” trong thời gian qua.
Tại TPHCM, giá khẩu trang vẫn chưa hề có dấu hiệu “hạ nhiệt” và vẫn “neo” ở mức đỉnh.
Theo ghi nhận của PV Dân trí tại nhiều điểm bán khẩu trang ở quận 10, quận 3, quận Bình Thạnh, các cửa hàng đang bán khẩu trang y tế 4 lớp với giá từ 140.000 – 180.000 đồng/hộp 50 cái. Mỗi thùng khẩu trang 50 hộp có giá sỉ khoảng 6,5 triệu đồng/thùng. Các loại khẩu trang vải kháng khuẩn cũng có giá không dưới 20.000 đồng/cái.
Khẩu trang y tế và khẩu trang vải kháng khuẩn đều đang có mức giá cao hơn bình thường gấp 2 lần. Trên các sàn thương mại điện tử, giá khẩu trang cũng tăng chóng mặt.
Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, đơn vị này đã ghi nhận một số nơi bán khẩu trang y tế với giá 230.000 đồng/hộp. Một số dân buôn cũng lợi dụng tâm lý lo lắng trước diễn biến của dịch bệnh và đưa khẩu trang chưa rõ nguồn gốc ra thị trường.
Cũng theo đại diện Saigon Co.op, giá khẩu trang vải kháng khuẩn cũng đang tăng “vô tội vạ” để móc túi người tiêu dùng. Cụ thể, giá khẩu trang vải kháng khuẩn từ 7.000 – 8.000 đồng/cái đã bị “thổi giá” lên gấp 3, 4 lần. Một số nơi bán khẩu trang vải kháng khuẩn với giá 30.000 đồng/cái.
Chính vì những lý do nói trên mà Saigon Co.op đã chỉ đạo các hệ thống siêu thị trực thuộc như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food xuất kho tung ra thị trường 12 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn đạt chuẩn để bán không tăng giá. Đồng thời, hệ thống này cũng đã đưa lên kệ siêu thị hơn 100.000 chai nước rửa tay, gel rửa tay khô với giá không đổi.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, đơn vị này đã có phương án tăng trữ lượng hàng thiết yếu cùng các mặt hàng cần thiết chống dịch và sẵn sàng can thiệp bình ổn thị trường bằng tất cả khả năng của hệ thống. Các siêu thị sẽ không để người tiêu dùng phải chịu áp lực chi tiêu một cách đơn độc.
“Chúng tôi đang bán khẩu trang vải kháng khuẩn với giá trung bình 22.000 đồng/túi 3 cái, tương đương khoảng 7.000 đồng/cái. Hiện tại, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đang bán ra thị trường trung bình hơn 100.000 khẩu trang vải kháng khuẩn mỗi ngày, trong đó siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood đang tiêu thụ trung bình khoảng 90.000 cái, chuỗi Co.opSmile và FineLife tiêu thụ hơn 12.000 cái”.
“Riêng các siêu thị Co.opmart tại Miền Trung đang ghi nhận sức mua những ngày cuối tuần qua tăng mạnh, chủ yếu là các mặt hàng thực phẩm, riêng khẩu trang và gel rửa tay sát khuẩn tăng khoảng 30%”, ông Đức nói.
Đại diện hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+ chia sẻ, siêu thị này cũng đã có kế hoạch cung cấp, đảm bảo cung ứng hàng hóa, đặc biệt là nhu yếu phẩm tới hết tháng 12/2020.
Nhiều mặt hàng thiết yếu sẽ được cam kết không tăng giá bán và luôn có sẵn tại các điểm kinh doanh như: gạo, mì gói, rau, thịt heo, nước mắm, nước tương, nước tinh khiết…
“Chúng tôi đã chuẩn bị hơn 2,5 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn và hơn 3 triệu đơn vị nước rửa tay các loại cho tới hết tháng 9/2020. Tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh, chúng tôi sẽ xây dựng các kịch bản để cam kết đầy đủ hàng hóa, hỗ trợ phục vụ nhu cầu của người dân và phòng chống dịch bệnh”, đại diện VinMart và VinMart+ chia sẻ.
Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố bám sát tình hình thị trường, trực tiếp kiểm tra đôn đốc các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn. Triển khai các phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho thị trường theo các phương án, kịch bản đã xây dựng, giữ ổn định tâm lý thị trường.
Bộ Công Thương cũng đề nghị các doanh nghiệp có hệ thống phân phối lớn trên địa bàn các tỉnh, thành phố tăng cường nguồn cung nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Bộ Công Thương cũng đề nghị các nhà phân phối cần có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các vùng sản xuất, tăng lượng cung ứng cho địa bàn các tỉnh, thành phố có dịch bệnh, cần cách ly hoặc giãn cách xã hội.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố triển khai lực lượng xuống các địa bàn, các điểm bán hàng của các siêu thị để chỉ đạo việc tăng nguồn cung, kiểm tra việc cung ứng hàng hóa. Đồng thời phối hợp với các nhà phân phối, các quận, huyện tuyên truyền để người dân an tâm và hạn chế mua hàng hóa tích trữ.