Giá điện tại Việt Nam không đi ngược thế giới?

(Dân trí) - Theo chuyên gia Trần Đình Long, giá điện bán lẻ sinh hoạt tại Việt Nam cao hơn so với điện sản xuất không đi ngược lại thế giới, thậm chí còn chênh lệch ở mức thấp hơn nhiều nước.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố dự thảo Đề án “Cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện”, trong đó đưa ra 3 phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt năm 2016-2017. Xung quanh đề xuất này, có rất nhiều ý kiến người dân, doanh nghiệp và chuyên gia phản biện: Căn cứ nào để EVN xây dựng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt? Biểu giá này có bám sát giá thị trường không?

Việc tính giá điện theo cách tính luỹ kế cũng được chuyên gia cho rằng không trái nguyên tắc thị trường bởi đây là loại hàng hoá đặc biệt, không khuyến khích sử dụng!
Việc tính giá điện theo cách tính luỹ kế cũng được chuyên gia cho rằng không trái nguyên tắc thị trường bởi đây là loại hàng hoá đặc biệt, không khuyến khích sử dụng!

Không tính biệt thự, sân tenis vào giá điện

Chia sẻ tại buổi tọa đàm về biểu giá điện chiều ngày 29/9, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) khẳng định, giá bán lẻ đang áp dụng được thực hiện trên cơ sở báo cáo kiểm tra giá thành sản xuất điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong năm 2013, ước tính năm 2014 và kế hoạch năm 2015.

Trong đó, báo cáo kiểm tra kết quả sản xuất kinh doanh đã được kiểm toán độc lập và trong quá trình kiểm toán cũng đã nghiên cứu tới các ảnh hưởng của việc tăng giá điện tới kinh tế vĩ mô, đời sống của người dân.

Theo ông Tuấn, giá thành sản xuất kinh doanh điện dựa trên 4 loại chi phí: phát điện, truyền tải, phân phối bán lẻ và khâu phụ trợ. Trong đó, chi phí khâu phát điện chiếm tới 70-80%. Các tính toán để đưa ra mức giá thành thuần tuý dựa trên báo cáo sản xuất của EVN và không tính các khoản chi phí quản lý hoạt động ngoài ngành, không liên quan tới sản xuất kinh doanh điện như xây biệt thự, bể bơi, sân tenis…

Lý giải về con số giá điện bình quân bán lẻ cho sinh hoạt ở mức 1.747 đồng/kWh, ông Hoàng Văn Tuỳ - Phó Ban tài chính kế toán EVN cho biết, theo quyết định về biểu giá bán lẻ điện của Thủ tướng, giá bán lẻ điện sinh hoạt áp dụng từ 16/3 là 1.622 đồng/kWh được tính cho 4 nhóm: sản xuất, cơ quan hành chính sự nghiệp, kinh doanh và sinh hoạt.

“Mỗi nhóm có mức tính bình quân khác nhau để hình thành lên con số tổng thể 1.622 đồng/kWh. Trong đó, nhóm điện sinh hoạt được tính dựa trên biểu giá điện 6 bậc thang hiện hành và là một phần trong tổng thể giá của cả 4 nhóm”, đại diện EVN lý giải.

Giá điện của Việt Nam không đi ngược thế giới 

Trước ý kiến cho rằng, giá điện sinh hoạt tại Việt Nam có mức giá cao hơn so với điện sản xuất là đi ngược xu hướng thế giới, GS Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện lực Việt Nam cho rằng, không phải như vậy bởi thực tế giá điện sinh hoạt tại hầu hết các nước đang cao hơn so với khối sản xuất, kinh doanh.

“Mối quan hệ tương quan giữa giá thành của 2 nhóm này cũng tuỳ thuộc vào từng nước. Ngay trong 1 nước, nếu quy mô sản xuất khác nhau thì giá cũng khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung điện sử dụng cho sản xuất càng nhiều thì càng rẻ, thậm chí rẻ hơn nhiều lần”, ông Long nói.

Vị chuyên gia đưa ra ví dụ, trong khối các nước ASEAN, tại Malaysia giá điện sinh hoạt cao hơn điện sản xuất 17%, tại Hồng Kông 18%, Hàn Quốc 77%, Thái Lan 33%, Singapore 17%. Còn đối với các nước công nghiệp phát triển như Mỹ có mức giá điện sinh hoạt cao hơn điện sản xuất tới 78%, Bỉ 137%, Pháp 67%, Đức 26%, Hà Lan 116% và Anh là 61%.

“Tại Việt Nam, tỷ lệ này chỉ là 1,15, tức giá điện sinh hoạt cao hơn điện sản xuất chỉ khoảng 15% thôi, vẫn ở mức trung bình so với khu vực”, ông nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi về việc giá điện theo bậc thang tăng dần được cho là không phù hợp với nguyên lý thị trường, ông Long cho rằng, điện năng là hàng hoá đặc biệt, kinh doanh điện năng là kinh doanh có điều kiện, do đó, không giống như các loại hàng hoá bình thường.

“Các mặt hàng khác hô hào dùng càng nhiều càng tốt, càng rẻ vì nó không liên quan tới 2 yếu tố cực kì quan trọng là phải sử dụng hợp lý tài nguyên và không gây tác động xấu cho môi trường. Trong khi đó, khuyến khích sử dụng nhiều điện hoàn toàn trái ngược lại với điều này”, ông nói.

Theo ông Long, điện sử dụng năng lượng hữu cơ, cạn kiệt nhanh chóng trong khi các nguồn năng lượng tái tạo chưa có tiền để sử dụng và công nghệ chưa đủ để thay thế hoàn toàn. Do đó, việc sử dụng cách tính giá điện bậc thang nhằm không khuyến khích dùng quá nhiều năng lượng và điện năng trong cuộc sống.

Phương Dung

Giá điện tại Việt Nam không đi ngược thế giới? - 2