Giá điện sẽ tăng vô lý nếu dừng thị trường phát điện cạnh tranh

Đó là nhận định của các chuyên gia trước thông tin Bộ Công Thương Bộ Công thương tạm dừng thị trường phát điện cạnh tranh.


(Ảnh: TX)

(Ảnh: TX)

Trao đổi với PV, GS. Trần Đình Long – Phó Chủ tịch Hiệp hội điện lực cho rằng, hiện chưa thấy có văn bản chính thức nào từ phía Bộ Công Thương về vấn đề dừng thị trường điện cạnh tranh.

Tuy nhiên, “nguyên tắc thị trường là anh nào giá rẻ huy động trước, kế đến là anh có giá đắt hơn. Nếu anh rẻ không đủ công suất thì huy động anh đắt thì giá chung tất nhiên sẽ cao hơn. Còn nếu nói là dừng thị trường điện cạnh tranh để ưu tiên giá cao vào thị trường là không theo quy luật cạnh tranh, ảnh hưởng tới giá điện chung, người chịu thiệt là người tiêu dùng”, ông Long nói.

Theo ông Long, việc dừng thị trường điện cạnh tranh không thể cứ nói là dừng được vì Luật đã quy định rồi. Trường hợp dừng thị trường điện cạnh tranh sẽ lại quay lại thời kỳ phân phối như trước đây, đi ngược với sự phát triển.

Cùng chung quan điểm trên, ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam cho rằng, việc dừng thị trường phát điện cạnh tranh là quyền của Bộ Công Thương nhưng muốn dừng cũng phải có lý do xác đáng.

Các chuyên gia nhận định, nếu dừng thị trường phát điện cạnh tranh chỉ vì điện sản xuất từ khí có giá cao hơn nguồn điện từ thủy điện và các nguồn khác sẽ làm cho giá điện tăng một cách vô lý và người chịu thiệt thòi là người tiêu dùng phải mua điện với giá cao hơn.

Theo ông Ngãi, hiện sản lượng điện từ các nhà máy chạy khí thực chất là rất nhỏ, chủ yếu các nhà máy này ở khu vực phí Nam và chưa đủ sản lượng phục vụ ở các tình phía Nam, vẫn phải huy động nguồn điện từ phía Bắc vào qua đường dây 500kV.

Đa phần các chuyên gia cho rằng, việc dừng thị trường phát điện cạnh tranh hay không thì Bộ Công Thương cũng phải đưa ra lý do xác đáng, không thể lấy lý do vì các nhà máy điện phát từ khí có giá chào cao hơn, trong khi nguồn cung điện không đủ nên phải dừng. Bởi nếu dừng chỉ vì các nhà máy điện sản xuất từ khí thì chắc chắn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ phải mua giá đện cao hơn, từ đó ảnh hưởng tới giá điện bán lẻ cho khách hàng.

Trước đó, tại quyết định tạm dừng thị trường phát điện cạnh tranh, lý do được Bộ Công thương đưa ra là để... phục vụ việc huy động tối đa các nhà máy nhiệt điện khí trong các tháng cuối năm 2017. Trả lời báo Tuổi trẻ về quyết định tạm dừng thị trường phát điện cạnh tranh, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Bộ Công Thương, cho biết việc tạm ngừng thị trường phát điện cạnh tranh xuất phát từ cả phía cung và phía cầu.

Theo ông Tuấn, trong 8 tháng đầu năm 2017, nhu cầu điện chỉ tăng trưởng khoảng 8,5%, thấp hơn so với kế hoạch. Trong khi đó, các nhà máy thủy điện đều đã được huy động tối đa.

Theo số liệu của Cục Điều tiết Điện lực, tính đến hết tháng 6.2016, đã có 72/115 nhà máy điện tham gia giao dịch trên thị trường phát điện cạnh tranh, với tổng công suất đặt 16.719 MW, tăng 2,3 lần so với tháng 7.2012 và chiếm 45% công suất toàn hệ thống.

Ông Tuấn công nhận thị trường phát điện cạnh tranh còn hạn chế về cơ sở hạ tầng, nên các nhà máy thủy điện nộp bản chào giá trước một ngày. Và đã xảy ra trường hợp một vài nhà máy điện phải xả nước không qua phát điện do chào giá cao...

Ông Tuấn cũng cho biết việc tạm dừng thị trường phát điện cạnh tranh là để xử lý các tình huống khẩn cấp, và đặc biệt ông cho rằng điều này sẽ... không ảnh hưởng đến việc thực hiện lộ trình phát triển thị trường điện.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, đã và đang chỉ đạo EVN, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, các đơn vị phát điện và các đơn vị liên quan bám sát tình hình thủy văn các nhà máy thủy điện, công suất truyền tải trên đường dây 500kV Bắc - Nam, tình hình huy động các nhà máy tuôcbin khí... để có quyết định kịp thời khôi phục sớm nhất có thể thị trường phát điện cạnh tranh.

Theo Thanh Xuân
Dân Việt