Giá điện không "cõng" cả bể bơi, sân tennis của EVN

(Dân trí) - Theo khẳng định của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, tiền xây bể bơi, biệt thự, sân tennis… của EVN không tính khấu hao vào giá điện.

Giá điện không cõng cả bể bơi, sân tennis của EVN
Đại biểu Quốc hội mong EVN công khai, minh bạch trong cách tính giá điện để làm gương cho các doanh nghiệp khác.

Tại phiên chất vấn chiều 10/6, đại biểu Quốc hội đề nghị hai Bộ trưởng Tài chính và Công Thương cùng giải trình về vấn đề gây bức xúc trong cử tri thời gian qua, khi thanh tra Chính phủ đã chỉ ra sai phạm của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) trong việc tính tiền quản lý, xây dựng biệt thự, vận hành bể bơi, sân tennis vào giá điện.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) phản ánh: Cử tri hoan nghênh Thanh tra Chính phủ đã thẳng thắng chỉ ra những vi phạm của EVN trong việc đưa những chi phí quản lý vận hành, nhà ở biệt thự, liền kề, chung cư cao cấp có bể bơi… vào giá điện. Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 442 ngày 9/12/2013 về ý kiến của Thủ tướng giao Bộ trưởng Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng rà soát các khoản chi phí xây dựng khu nhà ở, nhà quản lý vận hành của ngành điện trong đó có 6 dự án nêu trong kết luận thanh tra để có hướng xử lý.

“Từ đó đến nay đã 6 tháng, chúng tôi đề nghị Bộ Tài chính đã chủ trì rà soát xong chưa và có phát hiện khoản chi nào bất hợp lý của EVN được đưa vào giá điện không? Quan điểm, thời hạn xử lý vấn đề này. Chúng tôi cũng gửi chất vấn này tới Bộ trưởng Công thương và Xây dựng”, đại biểu Lê Thị Nga thẳng thắn đặt câu hỏi.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Bộ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng, trong đó có đề nghị hướng dẫn EVN đưa chi phí khấu hao của nhà khách chuyên gia, nhà quản lý vận hành và sửa chữa điện, nhà ở trực tiếp cho người lao động tại các nhà máy điện vào chi phí sản xuất kinh doanh của điện. Trường hợp nhà ở trực tiếp cho người lao động có thu tiền thuê thì số tiền thu được hoạch toán giảm chi phí giá thành của điện.

Còn chi phí khấu hao của nhà đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề nhà chung cư mà EVN cho cán bộ công nhân thuê thì không được hạch toán đưa vào chi phí sản xuất kinh doanh của điện. EVN phải xác định đơn giá cho thuê các loại nhà này và EVN phải thu hồi, hạch toán riêng khoản thu hồi này.

Về chi phí đầu tư công trình phục vụ cho công trình phúc lợi như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis, EVN phải yêu cầu các đơn vị thành viên sử dụng quỹ phúc lợi và các nguồn tài trợ hợp pháp khác để tính vào chi phí đầu tư và đặc biệt không được tính chi phí khấu hao để đưa vào tính giá thành của điện.

Với những công trình trường mầm non, EVN được sử dụng quỹ phúc lợi để xử lý, tính vào chi phí đầu tư công trình. “Chi phí khấu hao những công trình này không được tính vào giá thành điện. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất EVN phải xây dựng quy chế sử dụng nhà khách, nhà ở trong khu nhà quản lý vận hành, quy định rõ điều kiện tiêu chuẩn, định mức. Thời gian tới Thủ tướng sẽ có chỉ đạo tiếp theo”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Tiếp ý của Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Thanh tra Chính phủ đã có kết luận đối với 6 dự án điện, trong đó có Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 1, Nhà máy Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 4, Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhiệt điện Quảng Ninh, Nhiệt điện Hải Phòng.

6 nhà máy này, qua kiểm tra chỉ có Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 1 có xây dựng bể bơi và biệt thự. Bộ trưởng Hoàng cho biết thêm: Ô Môn 1 là công trình sử dụng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản và xây dựng ở địa bàn cách xa trung tâm thành phố Cần Thơ. Xây dựng cơ sở này trước hết là để phục vụ chuyên gia. Sau này khi hết thời gian xây dựng và bảo hành thì cơ sở đó sẽ chuyển giao cho phía Việt Nam. Còn lại 5 nhà máy thì không có những hạng mục như biệt thự, bể bơi.

“6 dự án này chỉ riêng có Phú Mỹ 1 được xây dựng từ lâu rồi thì có tính vào giá thành điện, mỗi năm chỉ 1 - 3 tỷ đồng trên tổng số chi phí điện hàng nghìn tỷ đồng. Còn lại 5 nhà máy chưa hề tính vào giá thành điện phần khấu hao của các công trình này. Chỗ này đang chờ Thủ tướng xem xét quyết định và giao Bộ Tài chính chủ trì”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Nhận xét về phần trả lời hai Bộ trưởng Tài chính và Công Thương, đại biểu Lê Thị Nga nói: “Chúng tôi muốn qua Bộ trưởng Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản của EVN, qua Bộ trưởng Bộ Tài chính là cơ quan quản lý của nhà nước giám sát về tài chính, xin gửi tới EVN, một tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước là cử tri và đại biểu Quốc hội rất mong muốn EVN gương mẫu và đi đầu trong chấp hành pháp luật, chấp hành kỷ cương tài chính công khai, minh bạch trong cách tính giá điện để làm gương cho các doanh nghiệp khác”.

Nguyễn Hiền

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”