Tổng giám đốc EVN “trải lòng” về ghế nóng
(Dân trí) - Người dân tiêu dùng không tiết kiệm, doanh nghiệp thì sử dụng công nghệ “bẩn” vì điện giá rẻ, nhưng quan trọng nhất là cần đầu tư hàng tỷ USD vào các nguồn điện mới thì không ai đầu tư - Tổng giám đốc EVN nói.
“Qua một năm hoạt động rất vất vả, gai góc, ngồi trên chiếc ghế của ông Tổng giám đốc Điện lực, “đụng chạm” đến 90 triệu dân từ người giàu nhất đến người nghèo nhất, có những chuyện làm được, có cái chưa làm được nhưng vẫn mong nhận được sự chia sẻ và đồng hành” – ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc Điện lực Việt Nam (EVN) trải lòng khi khép lại năm Quý Tỵ 2013.
Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh.
Năm đầu tiên có dự phòng
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: Doanh nghiệp kỳ vọng gì năm 2014? 10 thương hiệu ngân hàng đắt nhất thế giới |
Theo đó, thống kê đến tháng 1/2014, tổng công suất lắp đặt trên hệ thống có 30.469 MW, trong đó công suất khả dụng khoảng 23.000 MW. Công suất max (tức khi cả đất nước đồng thời sử dụng) khoảng 30.000 MW song hệ thống chỉ sử dụng 20.000 MW, có nghĩa là điện đã đi trước một bước, đảm bảo đủ điện cho phát triển và có dư.
Nói về hiện tượng thiếu hụt điện cục bộ ở khu vực phía nam, ông Thanh lý giải, do đàm phán khí với Tập đoàn Chevron (Mỹ) để khai thác khí ở khu vực Tây Nam chưa được thông suốt nên các nhà máy trợ khí ở phía nam có trục trặc. EVN đang khẩn trương xây dựng những nhà máy nhiệt điện chạy than thay thế và làm đường dây 500 kV mạch 3 đưa điện vào bổ sung cho miền Nam, mục tiêu năm 2014-2015 đủ điện trên cả nước và miền Nam không thiếu điện.
Ông Thanh cũng đánh giá rằng, do duy trì giá điện trong 1 thời gian dài rất thấp nên người dân sử dụng không tiết kiệm. Cụ thể, hệ số đàn hồi điện năng ở Việt Nam rất lớn (2 lần điện mới ra 1 GDP). GDP tăng 7% thì điện tăng 14%, GDP tăng 7,5% thì điện tăng 15%.
“Người dân sử dụng không tiết kiệm, doanh nghiệp thì sử dụng những công nghệ “bẩn” (các nhà máy xi măng, nhà máy thép lạc hậu...) vì điện giá rẻ. Doanh nghiệp FDI cũng lợi dụng giá điện rẻ để mang những nhà máy có công nghệ bẩn đó để sản xuất, xuất khẩu kiếm lời. Nhưng quan trọng nhất là cần đầu tư hàng tỷ USD vào các nguồn điện mới thì không ai đầu tư” - Tổng giám đốc EVN nói.
Chính sách về giá điện gây khó khăn
Theo phản ánh của ông Thanh, từ năm 1997 đến nay chưa có một nhà đầu tư nước ngoài nào đầu tư vào nhà máy điện Việt Nam. “Chúng ta phải gồng gánh lẫn nhau. EVN, PVN, Vinacomin, Sông Đà cùng một số doanh nghiệp tư nhân gồng gánh nhau, đi đầu tư nhà máy điện. Chính thách thức về giá điện gây khó khăn”.
Trong dịp đón xuân Giáp Ngọ, ông Thanh cũng cho biết, trong năm 2013, EVN đã đầu tư vào hệ thống điện 104.791 tỷ, lần đầu tiên vượt qua con số 100.000 tỷ (khoảng 5 tỷ USD).
Nếu năm 2003, hệ thống điện có chưa đến 10.000 MW, nhưng đến nay đã trên 30.000 MW. Hệ thống lưới điện từ 110-500 kV năm 2003 mới có khoảng 15.000 km thì tới nay đã trên 30.000 km.
Cũng trong 2013 vừa rồi, EVN lần đầu tiên đã dùng cáp ngầm để đưa điện ra Cô Tô, Phú Quốc. Đầu tư 1.200 tỷ đồng đưa điện ra Cô Tô trả lãi vay mỗi năm 120 tỷ, nhưng thu tiền điện trên đảo chỉ được vài chục tỷ, bán điện trên đảo không đủ để trả lãi vay – ông Thanh cho hay. Hay đầu tư 2.336 tỷ đồng đưa điện ra Phú Quốc, mỗi năm trả lãi vay khoảng 230 tỷ nhưng thu điện trên đảo chưa được 100 tỷ đồng.
Tổng giám đốc EVN đồng thời cho biết, tập đoàn đã đầu tư đưa điện về 1.300 thôn buôn của 5 tỉnh Tây Nguyên từ Kontum, Gia Lai, Daklak, Đắc Nông, Lâm Đồng cho 91.000 đồng bào Tây Nguyên;đầu tư cho 45 hộ gia đình đồng bào Khơ-me ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu và Kiên Giang. Tỉ lệ có điện ở các vùng dân tộc thiểu số đã lên tới trên 90% và tất cả các xã biên giới đều có điện lưới quốc gia.
Năm 2014, EVN dự kiến sẽ tăng đầu tư lên 123.000 tỷ đồng, con số không tưởng tượng được (gần 6 tỷ USD), tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay vẫn phải làm, ông Thanh cho biết.
Giá điện thấp khó thu hút đầu tư.
Tiền lương chỉ chiếm 5% tổng chi phí
Đề cập đến chất lượng phục vụ của EVN đối với người tiêu dùng, ông Thanh nói, tập đoàn đang lấy lại niềm tin của người dân, cải tiến chất lược dịch vụ khách hàng.
Vị lãnh đạo EVN nhớ lại, trước đây, gắn một đồng hồ công tơ mét cũng đã rất khó chịu, bức xúc; mất điện gọi cũng không ai nghe máy. Trước đây, kinh doanh điện của EVN chỉ có nhóm chỉ tiêu về kinh doanh (điện thương phẩm, tổn thất, giá bán bình quân…) thì bước vào 2013 đã cải tiến một bước. 2013 được chọn là năm kinh doanh dịch vụ khách hàng. Tập đoàn xác định điện không phải là mặt hàng kinh doanh bình thường mà là cung ứng dịch vụ cho xã hội. Theo đó, 4 nhóm chỉ tiêu được lựa chọn là: kinh doanh; chất lượng điện năng, độ ổn định của điện.
Kết quả, năm 2012, chỉ số số phút mất điện trong 1 năm suýt soát 10.000 phút thì 2013 còn trên dưới 5.000 phút (giảm được 49%) và EVN đang tiếp tục để đưa chỉ số này xuống thấp hơn.
Ông Thanh cũng chia sẻ, ở cương vị Tổng Giám đốc EVN là một vị trí đầy áp lực, cáng đáng nhiều vấn đề nhạy cảm và đầy sức “nóng”, bởi phải “gánh trên vai” trách nhiệm đối với một nền kinh tế hơn 100 tỷ USD và 90 triệu dân, không thể thiếu điện dù chỉ 1 tiếng đồng hồ.
Lãnh đạo EVN hy vọng, với định hướng đưa giá than, điện, xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường, trong thời gian tới, Việt Nam hoàn toàn có thể kêu gọi được các nhà đầu tư rót vốn vào các nhà máy điện để đáp ứng nhu cầu của người dân và cả nền kinh tế.
Tổng giám đốc EVN nhìn nhận, hiện tại, xã hội khi đánh giá các doanh nghiệp Nhà nước thường có định kiến “mù mờ, không minh bạch”. EVN đang cố gắng giải quyết, làm sao trong năm 2014 tối ưu hóa chi phí, tất các các chi phí sẽ được minh bạch toàn bộ.
Ông Thanh cũng cho biết thêm, thực tế, chi phí tiền lương trong tổng chi phí tập đoàn chỉ chiếm 5% và EVN vẫn đang tiếp tục nâng cao hiệu quả của cán bộ công nhân viên, nâng cao năng suất lao động. Hiện nay Tập đoàn cũng đang có hướng nâng cao tối ưu hóa quản trị, năng suất lao động. Xu thế tới đây sẽ tối ưu đầu tư, từ phê duyệt dự án, quản lý, nghiệm thu đến thanh quyết toán…
Bích Diệp