Giá điện cứ tăng là sốc, chưa bao giờ giảm: Điều chỉnh bốn mùa, bớt “phanh gấp”

(Dân trí) - Chuyên gia ví von, 2 năm giá điện lại tăng một lần và mức tăng gần 10% không khác gì “đâm một nhát dao” hay như “xe đang lao với tốc độ 100km/h thì phanh gấp”. Để giải quyết vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng nên điều chỉnh giá điện năm 2 - 4 lần hoặc theo mùa.

Chuyên gia cho rằng nên điều chỉnh giá điện 2-4 lần/năm.

"Đề án nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam" do PGS TS Bùi Xuân Hồi - Bộ môn Kinh tế Năng lượng (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) làm chủ nhiệm đã nêu ra một số cải tiến về biểu giá điện sinh hoạt bậc thang cùng với đề xuất luật hóa chu kỳ điều chỉnh giá, thời gian 6 tháng/lần.

Góp ý về đề án này, PGS. Trần Văn Bình, Viện Kinh tế và Quản lý (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng việc luật hoá chu kỳ điều chỉnh giá là cần thiết.

Theo vị này, việc điều chỉnh giá điện tiến hành 1 năm 2 lần đáng lẽ cần được tiến hành từ nhiều năm trước để tránh những bức xúc không đáng có.

"Việc điều chỉnh giá này theo hướng có thể tăng, có thể giảm theo biến động giá thành", ông Bình nêu quan điểm.

Ông Bình cho biết, giá thành đầu vào ngành điện biến động ở các thời điểm khác nhau. Ông Bình lấy ví dụ, khi thuỷ điện nhiều nước giá thành thấp, nhưng khi hạn hán, ít nước thì phải huy động nhiệt điện nhiều thì giá thành tăng.

Còn với quy định hiện nay, cứ 2 năm ngành điện lại tăng 1 lần và tăng tới gần 10%, ông Bình ví von, như vậy khác gì “đâm một nhát dao”.

Ngược lại, nếu điều chỉnh theo chu kỳ nêu trên, ông Bình cho rằng người tiêu dùng sẽ điều chỉnh hành vi của mình để phù hợp hơn.

Việc hễ cứ tăng giá điện thời gian qua lại khiến người dân bức xúc, phản ứng, theo ông Bình, là điều rất “tâm tư, đau khổ”. Do vậy, ông Bình cho rằng cần phải làm cho xã hội hiểu rõ cơ cấu hình thành nên giá điện, việc này phải được minh bạch.

“Tại sao lại nhiều người quan tâm vì nó là ngành đặc biệt. Nó tác động cả đến góc độ tiêu dùng lẫn sản xuất. Bất kỳ sự thay đổi nào của nó cũng tác động đến đến toàn bộ người dân, doanh nghiệp. Nhưng nguồn nguyên liệu đầu vào của điện là nguồn năng lượng có hạn và việc khai thác ngày càng khó khăn, tăng giá điện là tất yếu, dễ hiểu. Rõ ràng đào than thời điểm cách mặt đất âm 10m và âm 100m thì giá phải khác chứ”, ông Bình nói.

Theo vị này, nếu điều hành kiểu “giật cục”, 2 năm mới cho tăng 1 lần và mỗi lần tăng là tăng giá sốc sẽ gây phản ứng. Đặc biệt việc này khiến những ngành tiêu thụ nhiều điện cực kỳ khó khăn.

Cũng theo ông Bình, cách tính toán giá điện bình quân hiện nay chưa hợp lý. Việc xác định giờ cao điểm, thấp điểm cần dựa vào thời điểm sử dụng với nguyên tắc giá là “anh gây ra cho hệ thống hậu quả như thế nào thì phải trả chi phí như thế”.

Bên cạnh những cải tiến về biểu mẫu giá bán lẻ, vị chuyên gia này cho rằng cần tiếp tục cải tiến phương pháp định giá phù hợp hơn, công bằng hơn.

Ông Lê Hồng Tịnh - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đồng tình với đề xuất điều chỉnh giá điện 2 hoặc 4 lần một năm, tăng hoặc giảm tuỳ theo biến động để giảm tình trạng “sốc”.

Ông Tịnh cho biết, ngành điện tác động đến rất nhiều thành phần xã hội nên cứ “đụng” đến giá điện là vô cùng nhạy cảm. Nhưng cũng cần phải tính toán làm sao đảm bảo hài hoà cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp điện.

Việc điều chỉnh (tăng hoặc giảm) theo mùa theo ông Tịnh sẽ xử lý được tình trạng “sốc” cho người tiêu dùng khi giá lên hoặc giảm một cách từ từ.

Nhìn lại thời gian qua, ông Tịnh cho rằng ngành điện chỉ thấy tăng giá. Việc tăng giá theo cách hiện nay được ông Tịnh ví như “1 chiếc xe đang lao với tốc độ 100km/h thì phanh gấp một cái”.

Ông Tịnh cũng cho biết, ngành điện đang hướng tới thị trường bán lẻ cạnh tranh nên chính sách giá cũng cần phải đảm bảo nguyên tắc thị trường, nhất là trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện đang cận kề. Ngoài ra, khi giá hợp lý cùng chính sách tốt sẽ thu hút đầu tư vào điện tốt hơn.

Nguyễn Mạnh