Đề xuất mới về giá điện: Lợi người giàu, thiệt đại bộ phận người tiêu dùng?
(Dân trí) - TS. Nguyễn Đình Cung cho biết vẫn còn “phân vân” với đề xuất cải tiến biểu giá đối với hộ tiêu dùng sinh hoạt vừa được đưa ra tại “Đề án nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam".
Sáng 5/11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức hội thảo góp ý về “Đề án nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam”.
Trình bày về Đề án nêu trên, PGS Bùi Xuân Hồi – chủ nhiệm nhóm nghiên cứu đề án (Giảng viên Bộ môn Kinh tế Năng lượng, Đại học Bách khoa Hà Nội) đã đưa ra 3 đề xuất cải tiến biểu giá điện sinh hoạt bậc thang.
Theo đó, ba phương án được đưa ra tại đề án bao gồm: Biểu giá 5 bậc thang; Biểu giá 4 bậc thang; Biểu giá 3 bậc thang.
PGS Bùi Xuân Hồi nhấn mạnh, việc để 6 bậc như hiện nay có phần quá chi tiết, quá nhiều bậc trong quá trình đo đếm tính toán hóa đơn tiền điện.
Sau khi phân tích, nhóm nghiên cứu đề xuất chọn phương án giá bán lẻ điện chia 5 bậc thang, bỏ bậc thang 50kWh đầu tiên và kéo dài bậc thang lên tới trên 700kW.
Góp ý về đề án, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết vẫn còn “phân vân” với đề xuất cải tiến biểu giá đối với hộ tiêu dùng sinh hoạt nêu trên.
"Tôi nhất trí với đề xuất điều chỉnh 6 bậc thành 5 bậc. Nhưng mức giá đề xuất, xét về kinh tế thì hợp lý. Vì nó phản ánh sát hơn chi phí phát sinh cho hệ thống điện nhưng về mặt chính trị, phương án đề xuất có thể gây thiệt cho đại bộ phận người tiêu dùng, và tác động có lợi cho một số ít khách hàng là người giàu có trong xã hội", ông Cung nói.
Trao đổi riêng với Dân trí, ông Cung giải thích thêm: Với đề xuất này, những người ở bậc thấp thì trả thêm tiền, những người bậc cao thì trả ít đi. Trong khi đó, mức giá không nên để theo hướng người giàu có lợi, người nghèo chịu thiệt.
"Phải theo nguyên tắc, càng sử dụng nhiều điện thì càng phải trả thêm nhiều tiền. Còn đề xuất hiện nay ở đề án không như thế", ông Cung nói.
Ngoài ra, theo ông Cung, nó cũng làm tăng thêm trợ cấp ngân sách đối với những người nghèo. Tác động xã hội tích cực đối với các hộ tiêu thụ nhiều điện có thể không đáng kể, nhưng lại tác động tiêu cực đối với nhóm tiêu thụ ít điện có thể lại rất đáng kể.
Ông Cung kiến nghị nên giảm phần giá đối với bậc thấp, tăng giá đối với phần bậc cao trong biểu giá 5 bậc như tại đề án đưa ra.
Về cách thức thể hiện điều chỉnh giá điện, ông Cung cho biết nhất trí nên thể hiện bằng Nghị định của Chính phủ, như cơ chế điều hành giá xăng dầu.
Tuy nhiên, theo ông Cung, cơ chế điều hành giá và biểu giá hiện nay còn khá nhiều vấn đề chưa được nghiên cứu trong đề án này.
Vì vậy, ông Cung kiến nghị nghiên cứu toàn diện hơn, đầy đủ hơn để có thể nâng cấp văn bản văn bản pháp lý về cơ chế điều hành giá điện. Còn về phương án điều chỉnh, ông Cung cho biết, cần thiết có sự điều chỉnh linh hoạt.
“Tuy vậy trong nghiên cứu này chưa đánh giá thực trạng quản lý điều hành giá điện trong thời gian qua, chưa đánh giá được tác động của phương án điều chỉnh linh hoạt so với phương án điều chỉnh giật cục như đã làm vừa qua", vị chuyên gia góp ý.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch – Hội Thẩm định giá Việt Nam lại cho biết nghiêng về phương án từ 3-4 bậc thang hơn.
Khi phân tích về phương án đề xuất giảm từ 6 bậc xuống 5 bậc mà Đề án lựa chọn, ông Thoả cho biết: Mối liên hệ giữa giá thành và giá bán là mối quan hệ đồng chiều, các tỷ lệ tính giá so với giá bình quân đều thực hiện được nguyên tắc bù đắp được chi phí.
"Tuy nhiên, việc sắp xếp hệ số (hay gọi là bước nhẩy của bậc giá) giữa bước nhẩy từng bậc của giá thành so với bước nhẩy của giá thiếu gắn kết lại chưa được Đề án luận giải rõ ràng. Đề án cần nêu thêm luận cứ giải quyết vấn đề trên", ông Thoả góp ý.
Nguyễn Mạnh