Giá dầu tiếp tục đà trượt dài và phá đáy của nhiều năm

Thị trường dầu châu Á trong phiên giao dịch ngày 16/12 tiếp tục đà trượt dài và phá đáy của nhiều năm sau khi các số liệu về hoạt động chế tạo tại Trung Quốc được công bố và việc đồng nội tệ của các nước đang phát triển mất giá gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu mua “vàng đen."

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
 
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Trên Sàn giao dịch điện tử Singapore chiều 16/12, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 1/2015 giảm 1,06 USD Mỹ xuống 54,85 USD/thùng; còn giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 1/2015 cũng giảm 1,31 USD xuống còn 59,75 USD/thùng, ghi dấu mức giá thấp nhất kể từ tháng 7/2009.

Theo các nhà phân tích, nguyên nhân khiến giá dầu thô đã giảm khoảng 50% kể từ tháng 6/2014 là do nguồn cung dư thừa, trong khi nhu cầu lại giảm do kinh tế toàn cầu trì trệ và sự tăng giá của đồng USD.

Công ty nghiên cứu và tư vấn về kinh tế Capital Economics (Anh) nhận định mặc dù Mỹ và thế giới nói chung có thể hưởng lợi từ việc giá dầu sụt giảm, tuy nhiên những tác hại mà nó gây ra có thể vượt quá những lợi ích này. Việc giá “vàng đen” liên tục đi xuống có thể khiến các nước sản xuất dầu thu hẹp chi tiêu và đầu tư, từ đó tác động đến nhu cầu trên toàn cầu.

Trước đó, thông tin về hoạt động tại các nhà máy của Trung Quốc trong tháng 12/2014 đã chậm lại lần đầu tiên sau bảy tháng đã một lần nữa “nhấn chìm” giá dầu. Bên cạnh sự sụt giá của đồng ruble Nga, đồng rupiah của Indonesia cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 16 năm so với đồng USD, trong bối cảnh bất ổn gia tăng tại các thị trường mới nổi.

Ngoài ra, cuộc họp kéo dài hai ngày sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ là tâm điểm thu hút sự chú ý của thị trường, trong bối cảnh giới đầu tư đang tìm manh mối về thời điểm Fed tăng lãi suất. /.
Theo Phương Nga
TTXVN/Vietnam+
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”