Giá dầu giảm, ông hoàng Trung Đông phải đi vay tiền

Chi tiêu khổng lồ nhưng kiên quyết không giảm sản lượng dầu, liệu có khả năng Saudi Arabia phá sản?...

Giá dầu giảm, những nước Trung Đông bao lâu nay vốn sống nhờ vào dầu mỏ hiện không dễ chịu chút nào. Sự thịnh vượng chỉ được xây lên nhờ dầu mỏ khó có thể bền vững, đó là quan điểm được đưa ra trong một bài bình luận vừa được tạp chí The Economist đăng tải.

Giá dầu giảm, ông hoàng Trung Đông phải đi vay tiền - 1

Những ông hoàng Saudi Arabia không thể ngừng tiêu, trong khi nguồn thu ngân sách ngày càng đi xuống. Thu ngân sách của Chính phủ Saudi Arabia được dự báo sẽ giảm khoảng 82 tỷ USD trong năm 2015, tương đương 8% GDP - Ảnh: Britannica.

Bắt đầu đi vay

Dự trữ ngoại tệ của Saudi Arabia đang vơi dần đi với tốc độ đáng lo ngại, khi giá dầu giảm và chi tiêu cho quân sự không ngừng tăng.

Bản thân gia đình hoàng gia cũng không thể nào tiết kiệm hơn sau khi đã tiêu xài thoải mái quá lâu. Trong 6 tháng đầu năm nay, hoàng gia Saudi Arabia đã tiêu hết 60 tỷ USD, và còn đi vay thêm 4 tỷ USD từ các ngân hàng địa phương.

Tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy đến cuối năm nay, thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia có thể lên mức khoảng 140 tỷ USD, tương đương 20% GDP. Xét đến việc một thời gian dài nước này luôn có thặng dư, thì mức thâm hụt này quá lớn.

Nhưng, những ông hoàng Saudi Arabia không thể ngừng tiêu, trong khi nguồn thu ngân sách ngày càng đi xuống. Thu ngân sách của Chính phủ Saudi Arabia được dự báo sẽ giảm khoảng 82 tỷ USD trong năm 2015, tương đương 8% GDP.

Trong thông báo mới nhất của mình, Standard & Poor đã hạ mức triển vọng tín dụng của Saudi Arabia xuống mức “tiêu cực”.Tổ chức này đánh giá kinh tế Saudi Arabia quá phụ thuộc vào dầu mỏ.

Cách đây một năm, giá dầu ở mức 107 USD/thùng, hiện nay chỉ còn khoảng hơn 40 USD/thùng.

Nhưng Saudi Arabia cũng không thể trách ai được, chính họ đã tự đẩy mình vào tình thế như hiện nay. Từ năm ngoái, nước này đã không ngừng tăng sản lượng để quyết đẩy giá dầu giảm sâu.

Với sản lượng kỷ lục 10,564 triệu thùng/ngày, Saudi Arabia từ chối giảm sản lượng, với suy nghĩ rằng chính sách đó sẽ đẩy các công ty sản xuất dầu đá phiến Mỹ phá sản, buộc Nga và Iran ngừng hỗ trợ cho Syria.

Nhưng Saudi Arabia đã nhầm. Trong cùng khoảng thời gian trên, các công ty sản xuất dầu đá phiến của Mỹ vẫn tiếp tục tăng sản lượng lên mức 9,6 triệu thùng/ngày. Một quan chức Saudi Arabia thừa nhận: “Rõ ràng các nước ngoài OPEC không dễ chịu tác động từ giá dầu thấp như chúng ta vẫn tưởng.”

Tồi tệ hơn, dù nguồn thu giảm và không thể bỏ được thói quen chi tiêu xa xỉ, nhà vua Saudi Arabia vẫn tiếp tục quyết liệt với các tham vọng chính trị, quân sự của mình. Dưới thời vua Salman, chi tiêu quân sự của Saudi Arabia nhanh chóng leo lên vị trí thứ 5 trên thế giới, một phần do các biến động phức tạp tại khu vực Trung Đông.

Và theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Saudi Arabia, nước này sẽ tiếp tục vay tiền trong những tháng tới.

Tiến thoái lưỡng nan

Tính toán của các chuyên gia kinh tế cho thấy Saudi Arabia sẽ phải phát hành khoảng 5 tỷ USD trái phiếu/tháng trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm 2015 để bù vào thâm hụt ngân sách.

Nguồn thu giảm cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ra bất ổn xã hội ở Saudi Arabia. Cho đến nay sự ổn định xã hội mà nước này có được trong bối cảnh toàn Trung Đông lộn xộn là bởi người dân được hưởng quá nhiều hỗ trợ tài chính từ Chính phủ.

Khắp khu vực Trung Đông, không người dân nước nào được hưởng chế độ phúc lợi tốt như ở Saudi Arabia. Họ không phải đóng thuế thu nhập, được hưởng trợ cấp năng lượng, điện, thực phẩm.

Ngày vua Salman lên ngôi, ông đã dùng đến 32 tỷ USD làm quà tặng cho người dân. Không chỉ vậy, Saudi Arabia còn bán dầu với giá vô cùng hữu nghị cho những nước láng giềng được lòng nhà vua trong suốt một thời gian dài.

Dự trữ ngoại tệ của Saudi Arabia đã đạt đỉnh 737 tỷ USD vào tháng 8/2014. Nhưng chắc chắn, giấc mơ đẹp sẽ không kéo dài mãi. Đến tháng 5 năm nay, dự trữ ngoại tệ giảm chỉ còn 672 tỷ USD, và mỗi tháng đang hao hụt thêm 12 tỷ USD.

Những người đứng đầu Saudi Arabia dù nhận thức được những gì đang diễn ra, nhưng họ cũng không còn nhiều lựa chọn chính sách.

Họ rất khó tăng thuế, giảm trợ cấp với người dân nếu muốn ngăn bất ổn xã hội. Họ cũng khó từ bỏ tham vọng chính trị tại một số nước lân cận. Họ cũng vẫn quyết tâm triệt hạ ngành sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, nên chưa thể giảm sản lượng dầu.

Theo Ngọc Thanh
VnEconomy

Giá dầu giảm, ông hoàng Trung Đông phải đi vay tiền - 2