TP.Hồ Chí Minh:

Giá đất sẽ còn tăng

Nguyên nhân của cơn "sốt" giá đất đang hoành hành ở các quận khu vực phía đông và nam TPHCM cho đến nay vẫn có những ý kiến trái ngược nhau. Có người cho rằng là "sốt" ảo, lại có người cho là giá thực.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều thống nhất nhận định, cơn sốt này sẽ còn kéo dài một thời gian cho đến khi nguồn cung trên thị trường trở nên dồi dào hơn.

Sốt đất vì đâu?

Một trong những nguyên nhân hàng đầu được nhiều người đồng tình là nguồn cung trên thị trường khan hiếm. Bởi trong 4 năm thị trường nhà đất đóng băng vừa qua, số lượng dự án phát triển nhà ở mới không nhiều, các nhà đầu tư chỉ đầu tư cầm chừng, nghe ngóng.

Điển hình như năm 2005, toàn TP chỉ có 205 dự án sử dụng đất vào mục đích phát triển nhà ở, với tổng diện tích 687ha, mức thấp nhất kể từ năm 2002. Trong số 205 dự án của năm 2005, chiếm đa số là các dự án kinh doanh nhà ở (xây dựng rồi mới được bán).

Trong khi đó, thị trường đang hút đất nền trong các dự án kinh doanh hạ tầng (phân lô bán nền). Ở TPHCM, đối với loại hàng hoá này, hầu như không có hàng mới mà chủ yếu là hàng tồn đọng từ các dự án không bị điều chỉnh bởi Nghị định 181.

Nguyên nhân thứ hai, đó là dòng vốn nhàn rỗi trong dân chúng, sau một thời gian đầu tư vào TTCK đang được rút ra đổ vào BĐS. Nguyên nhân thứ ba, theo ông Huỳnh Trương Phất - Phó Giám đốc Cty Kiến Á, giá đất ở Nam Sài Gòn đang trong quá trình điều chỉnh để đạt đến giá trị thực của nó.

Nếu tính khoảng cách, từ Nam Sài Gòn vào trung tâm TP cũng chỉ bằng khoảng cách từ các quận 10, 11, Tân Bình vào trung tâm. Trong khi giá đất hẻm ở các quận kể trên đã trên 2 cây vàng/m2 thì giá đất ở Nam Sài Gòn nếu tính bình quân là 20 triệu đồng/m2 vẫn còn là giá chấp nhận được.

Đó là chưa kể, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các KĐT mới tốt hơn hẳn so với một số khu vực trong nội thành. Nếu phải lựa chọn giữa việc ở trong nội thành, nhưng trong đường hẻm với việc ở trong các KĐT mới nhà mặt tiền thì chắc chắn nhiều người sẽ chọn ở trong các KĐT mới. Ông Phất nhận định: "Giá đất ở Nam Sài Gòn, quận 2, quận 9 sẽ còn tiếp tục tăng thêm, sau đó thị trường bước vào giai đoạn ổn định trong một thời gian dài".

Nguồn cung sẽ rất dồi dào

Ông Trần Thế Ngọc - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo phát triển thị trường BĐS TPHCM - khẳng định, nguồn cung trên thị trường trong thời gian tới sẽ hết sức dồi dào.

Bởi theo số liệu của Sở Tài nguyên - Môi trường, quỹ đất đưa vào các dự án nhà ở trong năm 2006 đạt 1.632ha, gấp 2,4 lần so với quỹ đất đưa vào các dự án nhà ở trong năm 2005. Trong tương lai gần, nguồn cung trên thị trường sẽ không còn mất cân đối với nhu cầu như hiện nay.

Ông Huỳnh Trương Phất cũng đồng tình với quan điểm này. Theo ông Phất, trong giai đoạn từ 2003-2005, có rất nhiều dự án nhà đất bị "ngâm" lại vì thị trường đóng băng. Trong tình hình thị trường nhà đất đang "nóng" lên như hiện nay, chắc chắn các nhà đầu tư sẽ cho khởi động lại các dự án. Ông Phất nói: "Theo tôi, trong thời gian tới chính sách nhà đất sẽ thông thoáng hơn rất nhiều.

Các kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TPHCM đã được đưa vào dự thảo nghị định của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khu Nhà nước thu hồi đất... Những chính sách mới này làm cho các nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư vào thị trường này.

Tình hình giá nhà đất đang biến động dữ dội đang khiến các cơ quan quản lý về đất đai lo ngại, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách đầu tư, nhà ở cho người nghèo... của TP. 

Trao đổi với báo chí, ông Trần Thế Ngọc cho biết: "Sở Tài nguyên - Môi trường đang soạn thảo văn bản kiến nghị UBND thành phố có chính sách ổn định giá đất ở mức hợp lý".

Rõ ràng, cơn sốt đất năm 2007 đã không còn là chuyện riêng của thị trường BĐS, mà đã trở thành chuyện của toàn xã hội.

Theo Lao động