1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giá bán điện trung bình càng cao, tỷ lệ tổn thất điện càng thấp

(Dân trí) - Sáng nay (30/7), tại hội nghị về giảm tổn thất điện năng (TTĐN) do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức, Giáo sư Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội điện lực Việt Nam cho rằng, EVN cũng đã cố gắng giảm TTĐN nhưng hiện nay, mức TTĐN còn cao và mức TTĐN càng cao sẽ càng làm giá bán lẻ điện cao.


Tổn thất điện năng ở Việt Nam chủ yếu là tổn thất kỹ thuật

Tổn thất điện năng ở Việt Nam chủ yếu là tổn thất kỹ thuật

Ông Lê Việt Hùng, Phó Trưởng ban kỹ thuật sản xuất của EVN thừa nhận, mặc dù EVN đã nỗ lực thực hiện chương trình giảm TTĐN trong giai đoạn 2011-2015 nhưng giai đoạn này, EVN gặp nhiều khó khăn lớn trong việc giảm tỷ lệ tổn thất điện.

"Nguồn điện chưa được cân bằng trong các miền, lưới điện đầu tư còn hạn chế, đặc biệt là việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn với khối lượng lớn trong các năm 2009-2012...khiến việc đạt mục tiêu giảm TTĐN xuống dưới 8% vào năm 2015 là rất khó khăn. Nhưng EVN cũng đã giảm về mức tổn thất 7,94%. Đây là mức giảm khá nhanh so với mức tổn thất 10,15% năm 2010", ông Hùng nói.

GS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội điện lực Việt Nam cho rằng, không thể mong muốn một tổn thất điện năng thấp khi không có đầu tư

"Để giảm tổn thất, quan trọng nhất là khả năng đầu tư được bao nhiêu. Không thể đưa ra tổn thất theo ý chí mong muốn. Lưới điện càng tốt, tổn thất càng giảm. Ngoài ra, đòi hỏi rất nhiều giải pháp trong quản lý vận hành. Từ chống trộm cắp điện hoặc gian lận trong mua bán điện năng cho đến hàng trăm giải pháp kỹ thuật khác", ông nói.

Phân tích từ tỷ lệ TTĐN ở nhiều nước trên thế giới, GS Trần Đình Long cho rằng, nhìn chung GDP/đầu người càng cao thì tổn thất điện năng càng thấp và giá bán điện trung bình càng cao thì tổn thất điện năng càng thấp

"Để giảm tổn thất điện theo lộ trình thì phải có lộ trình đầu tư tương ứng với tăng trưởng phụ tải. Nếu đầu tư không đuổi kịp phụ tải, tỷ lệ tổn thất sẽ tăng như ở một số nước Luxembourg, Lào…", ông nói.

Theo Phó chủ tịch Hội điện lực, cái khó cho giảm TTĐN ở Việt Nam và đầu tư cho điện lực không đuổi kịp nhu cầu do đó cần phải có chính sách phù hợp.

"Về giá điện, nên cố gắng áp theo giá theo thời gian sử dụng, tránh sử dụng vào giờ cao điểm để giảm công suất cực đại sử dụng, tức giảm tổn thất. Tổn thất điện sẽ tăng 4 lần nếu công suất cực đại tăng 2 lần (tổn thất tỷ lệ thuận với bình phương công suất cực đại). Hiện nay Việt Nam đã áp dụng cho sản xuất, chưa áp dụng cho giá điện sinh hoạt. Phải điện tử hóa công tơ đo đếm, thay công tơ cơ bằng công tơ điện tử", ông nói.

"Cần áp dụng cơ chế thưởng phạt trong sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; có giải pháp hợp lý hơn trong quy hoạch, thiết kế, đầu tư, đây là điều Việt Nam chưa quan tâm nhiều, thậm chí biết nhưng vẫn vi phạm", GS Long nêu.

Một số chuyên gia điện lực tại hội thảo cũng cho rằng, để giảm TTĐN, trong thời gian tới, việc quy hoạch nguồn và lưới truyền tải phải được cân nhắc kỹ, cân bằng năng lượng theo vùng, tránh truyền tải công suất lớn đi xa. Các chuyên gia của Hội điện lực Việt Nam nêu thực tế: Việt Nam xây dựng những nhà máy điện rất lớn ở khu vực không có khu công nghiệp rồi kéo hàng loạt đường dây 220 kV trông rất hoành tráng nhưng lại kém hiệu quả.

"Phát triển rất mạnh lưới truyền tải không phải là xu hướng tiến bộ, mà phải hướng tới khu vực nào cấp điện cho khu đó. Tránh tình trạng tuỳ tiện trong quy hoạch. EVN cũng cần tổ chức hệ thống đo đếm chặt chẽ, tránh trộm cắp điện và lựa chọn cấu hình lưới điện phân phối trong vận hành hợp lý sẽ giảm được tỷ lệ TTĐN nhiều hơn", GS Trần Đình Long khuyến cáo.

Tại hội thảo, lãnh đạo EVN cũng cho biết, Tập đoàn này đặt mục tiêu giảm tỷ lệ TTĐN còn 6,5% vào năm 2020, đây là mức tổn thất thuộc loại thấp so với cả nhiều nước phát triển.

"Chúng tôi sẽ cố gắng đạt mục tiêu trên bằng một loạt giải pháp về quản lý kỹ thuật, vận hành, giảm sự cố trên lưới điện, nâng chất lượng hệ thống lưới điện...", ông Lê Việt Hùng cho biết.

Hà Nguyễn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm