Ghế nhựa ngắm phố, cuộc chiến "thay máu" trên vỉa hè Hà Nội
Loạt cửa hàng trà sữa doanh thu sụt giảm, đóng cửa dần thay thế vào đó là hình thành các chuỗi trà chanh, cà phê quán cóc vỉa hè. Những trào lưu sớm nở tối tàn đã khiến không ít ông lớn phải ngậm ngùi rời bỏ cuộc chơi.
Trà sữa hết ngọt
Ly trà sữa thêm trân châu đường đen từng một thời đình đám trong giới trẻ nay đã không còn ở vị thế số 1 khi nhắc tới đồ uống. Năm 2017 được coi là “năm hoàng kim” của loại đồ uống này. TP.HCM và Hà Nội nóng lên cơn sốt trà sữa trân châu do các công ty, tập đoàn nước ngoài đổ vào như: Gong Cha, KOI, RoyalTea, Share Tea,... kéo theo là các thương hiệu "made in Vietnam" tự mở như Tocotoco, Bobapop, Tiên Hưởng, Uncle Tea, Toocha... cũng bùng nổ theo.
Theo một nghiên cứu thị trường đồ uống thực hiện năm 2018, trà sữa xếp thứ hai trong số những đồ uống được ưa thích nhất tại thị trường Việt Nam, sau đồ uống đá xay và trên cả cafe. Thống kê cũng chỉ ra trà sữa là một trong những đồ uống có độ nhận diện cao nhất trên thị trường. Tập trung vào độ tuổi 15-35, có tới 91% người được hỏi đã từng sử dụng trà sữa, 65% trong đó sử dụng trà sữa với tần suất 1 lần/tuần trở lên.
Tuy nhiên, mức giá cao khiến khách hàng không thể mua thường xuyên dẫn tới doanh thu giảm cùng với nhiều yếu tố khác như quản lý, vận hành và mặt bằng khiến cho kinh doanh trà sữa không thể bù đắp.
Trong khi đó, người dân giờ đây lại muốn quay về với nét thưởng thức đồ uống trước kia, thuần Việt hơn, gần gũi hơn. Trà sữa đang có nguy cơ chấm dứt thời kỳ hoàng kim trên thị trường Việt Nam trước sự bùng nổ mạnh mẽ của những quán trà chanh.
Sự cạnh tranh trên thị trường trà sữa hiện ở giai đoạn mạnh mẽ nhất, không chỉ sự tham gia của các thương hiệu mà còn cả các nền tảng như Grab, Now, Go-Food... Người tiêu dùng ngày càng có nhiều lựa chọn và mức độ trung thành giảm đi.
Tháng 8/2019, Ten Ren, một thương hiệu trà sữa của Đài Loan do Công ty CP TMDV Trà Cà Phê Việt Nam (chủ sở hữu chuỗi The Coffee House) nhận nhượng quyền tại Việt Nam đã tuyên bố đóng cửa 23 chuỗi cửa hàng trà sữa tại TP.HCM và Đồng Nai. Lý do được chủ sở hữu chuỗi trà sữa này đưa ra là mô hình kinh doanh của Ten Ren chưa phù hợp với nhu cầu khách hàng và kết quả chưa đạt kỳ vọng.
Theo một số báo cáo ngành thực phẩm và đồ uống (F&B), thị trường trà sữa tại Việt Nam sẽ giảm tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới và dự đoán sẽ chỉ duy trì ở mức tăng trưởng tự nhiên 5,7%/năm. Tức là tốc độ tăng trưởng chỉ còn 1/4 so với giai đoạn đỉnh điểm. Thị trường trà sữa cũng cho thấy khoảng 20 thương hiệu từ lớn đến nhỏ đang giành nhau miếng bánh thị phần vốn đang thu hẹp.
Thời của trà chanh, cà phê vỉa hè
Trà sữa hết thời, trà chanh lại có cơ hội “tỏa sáng” như trước đây. Năm 2019, bùng nổ các cửa hàng trà chanh khắp các con phố Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác. Lý do chủ yếu khiến trà chanh thành công như ngày hôm nay là do các chủ kinh doanh đã thay đổi hoàn toàn phương pháp bán hàng, khác biệt hoàn toàn so với lối cũ trà chanh vỉa hè. Kết quả của sự thay đổi đó là những tiệm trà chanh kiểu mới ra đời, dịch vụ tốt hơn trước rất nhiều.
Giới trẻ ngày nay cũng rất kỹ tính, không chỉ ngon bổ rẻ thôi là đủ, họ cần nhiều hơn chính là không gian uống, chất lượng phục vụ,... và tiệm trà chanh “kiểu mới” hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu này.
Hầu như giới trẻ hiện nay đều thích đến các quán trà chanh bởi nó sở hữu không gian gần gũi và bình dân, thích hợp để tụ tập bạn bè thường ngày, thêm vào đó, giá đồ uống rẻ cũng là một điểm cộng.
Về sản phẩm, quán trà chanh có sản phẩm đa dạng và tính linh hoạt cao hơn. Bản thân một quán trà chanh không chỉ bán trà chanh, trà quất mà còn bán được nhiều sản phẩm khác như sữa chua hoa quả, café, thậm chí trà sữa, đồ ăn vặt. Ngoài ra, trà chanh ít hàm lượng chất béo, đường hơn trà sữa vì vậy dần được ưa chuộng trở thành thức uống hàng ngày, giải nhiệt thường xuyên.
Bên cạnh đó, trào lưu cà phê vỉa hè cũng nở rộ. Điều dễ dàng nhận thấy ở những quán phong cách mới này là kiểu nội thất đơn giản, có pha trộn một ít thập niên cũ. Bàn ghế thường được làm bằng gỗ tạp, thấp lùn, nội thất cũng được trang trí đơn giản,... Khác hẳn so với các quán cà phê sang chảnh trước đây, những thương hiệu cà phê kiểu mới đã không còn điều hòa, phòng kính sang trọng.
Theo đánh giá của Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor, chuỗi cửa hàng cà phê là loại hình phát triển nhanh nhất tại Việt Nam trong những năm qua với doanh thu hàng năm tăng khoảng 32%. Tốc độ tăng trưởng mỗi năm của cà phê hạt dành cho chuỗi cà phê Việt Nam, theo tiết lộ của các DN sản xuất cà phê, lên đến 300%.
Phát triển theo trào lưu và sẽ có thể tàn cuộc sớm đó là cảnh tỉnh của các hệ thống chuỗi. Việc mở quán theo chuỗi và phát triển quá nhanh cũng là con dao hai lưỡi, nếu quán mới làm tốt sẽ nhân thêm uy tín nhưng chỉ cần một quán làm không đúng sẽ ảnh hưởng đến cả thương hiệu.
Theo một chuyên gia nghiên cứu về thị trường, chi phí quản lý và chất lượng dịch vụ là vấn đề quan trọng nhất khi nhân rộng chuỗi kinh doanh. Hầu hết các chuỗi kinh doanh ăn uống tại Việt Nam chết yểu thời gian qua là do không chú trọng đến vấn đề này khiến khách hàng rời xa.
Chuỗi nhà hàng cà phê NYDC cuối cùng đóng cửa năm 2016, chấm dứt gần 10 năm hoạt động tại Việt Nam. Năm 2017, sau 10 năm tấn công thị trường Việt, chuỗi cà phê lớn đến từ Úc - Gloria Jean’s - đã đóng cửa hoàn toàn, bỏ lại tham vọng mở rộng hệ thống của mình thông qua hoạt động nhượng quyền tại thị trường Việt Nam.
Theo Duy Anh
VietnamNet