Gen Z đầu tư: Bị "lùa gà", chốt lời sớm tiếc hùi hụi với mức lãi 5.900%
(Dân trí) - Với gen X, gen Y, đầu tư lúc đi học là chuyện "có phần xa xỉ" nhưng với gen Z điều này lại quá bình thường. Trong câu chuyện gen Z tiếp cận đầu tư có những điều thú vị.
Nếu như việc đầu tư của thế hệ trước chủ yếu nằm ở những loại hình truyền thống như bất động sản, vàng, ngoại tệ, chứng khoán... thì với gen Z, đầu tư sẽ phần nào bắt "trend" hơn.
Khi hầu hết kiến thức kinh tế, tài chính, đầu tư đang đầy rẫy trên các mạng xã hội, gen Z được biến thành một thế hệ có hiểu biết và nhận thức cụ thể về tài chính sớm hơn hẳn các thế hệ trước.
Vậy gen Z đã, đang tiếp cận câu chuyện đầu tư ra sao?
Nguyễn Gia Huấn (sinh năm 2002) đang là sinh viên năm cuối Đại học Ngoại thương (Hà Nội). Từ năm thứ nhất đại học, Huấn đã tiếp cận đầu tư, với suy nghĩ "là sinh viên tài chính thì phải tham gia đầu tư mới có hiểu biết". Và gen Z này chỉ chọn đầu tư vào cổ phiếu vì vốn ít hơn bất động sản, vàng.
"Tôi "đánh" chứng khoán từ năm nhất đại học, lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn lắm", anh bắt đầu câu chuyện. Khi đó, nhà đầu tư vẫn được mua lô lẻ cổ phiếu (hiện tại, theo quy định, lô tối thiểu là 100 cổ phiếu - PV), được cho là thuận lợi với gen Z có ý định đầu tư như anh.
Bên cạnh khó khăn về kiến thức đầu tư, Huấn còn gặp đội ngũ "lùa gà".
Thời gian đầu, anh hay tham gia những "room khuyến nghị" của các "trưởng phòng đầu tư", được hứa hẹn về những cam kết tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai. Cuối cùng, sau khi đổ vốn vào những cổ phiếu như DQC, IDI, những người đứng đầu tổ chức bỗng dưng "biến mất". Huấn và mọi người muốn bán cổ phiếu nhưng chẳng ai thèm mua vì đây đều là những cổ phiếu "rác".
"Có thời điểm tất cả cổ phiếu được khuyến nghị đều giảm rất mạnh, có mã còn giảm sàn liên tục. Tôi âm gần 30% tài sản chỉ sau một phiên giao dịch vì trót "ôm" những mã này", anh kể. Dĩ nhiên, tiền vốn không nhiều, nhưng với một gen Z thì số tiền đó cũng không phải ít.
Hừng hực khí thế đầu tư nhưng bị giáng cho một đòn đau, Huấn dần nhận ra bài học. Thay vì dồn trứng vào một giỏ là chứng khoán, gen Z này chọn mua thêm bảo hiểm, gửi tiết kiệm ngân hàng kỳ hạn ngắn, trung hạn.
Ngoài cổ phiếu, một loại hình đầu tư khác cũng được gen Z hào hứng đó là tiền kỹ thuật số.
Nguyễn Ngọc Anh (sinh năm 1998) cũng đầu tư crypto (tiền kỹ thuật số) từ việc... đọc thông tin trên internet và nghe bạn bè khuyên.
Mới vào thị trường, Ngọc Anh mua đồng dogecoin và solana. Khi đó là tháng 2/2021, giá solana chỉ là 1,53 USD và dogecoin là 0,0047 USD. Anh nghĩ đơn giản là cứ "mua để đó, có lãi thì bán đi". Thực tế, 2021 là năm mà tiền kỹ thuật số tăng rất mạnh. Tháng 9 cùng năm, Ngọc Anh chốt lãi 5.000% với đồng solana và gần 5.900% với đồng dogecoin.
"Khi đó tôi hối hận lắm, vì đến tháng 12/2021 thì đồng solana có mức tăng trưởng... 12.000%, tôi xem đây như bài học trong đầu tư", Ngọc Anh chia sẻ. Tuy nhiên, được hỏi nếu không "chốt lãi sớm" mà để về sau tiền số giảm và mất tiền thì liệu có còn tiếc hay không, gen Z này chỉ cười.
2 câu chuyện nói trên cho thấy sự khác biệt của gen Z so với các thế hệ trước đó, đặc biệt là gen Y. So với gen Z, gen Y có vẻ cẩn trọng hơn và cũng thiệt thòi hơn khi không được tiếp cận đầu tư từ sớm.
"Mãi tới năm 33 tuổi, tôi mới biết thế nào là đầu tư chứng khoán. Để đầu tư, tôi cũng phải đi học, vì đâu có ai dạy mình: học cách đọc biểu đồ, bảng giá... mua mỗi lúc một vài trăm cổ phiếu để thăm dò. Năm 2021 thì kiếm được vì thị trường thuận lợi, nhưng đến năm 2022 thì trắng tay, tài khoản còn âm 40%", anh Lê Nguyễn, một nhà đầu tư thuộc thế hệ Y chia sẻ.
Nhận xét về gen Z, anh Nguyễn nói chỉ cách biệt nhau vài tuổi nhưng gen Z năng động hơn gen Y tương đối nhiều. "Họ được tiếp cận với kiến thức tài chính rất sớm, có thể là từ chính thế hệ bố mẹ họ, nên năng động hơn thế hệ 8x chúng tôi", anh nhận xét.
Tuy vậy, câu chuyện đầu tư của gen Z không hẳn suôn sẻ. Tuấn Anh, sinh viên năm cuối Đại học Ngoại thương (Hà Nội) kể, cậu phải đầu tư "chui" vì sợ bố mẹ phát hiện. "Bố mẹ tôi vẫn nghĩ chứng khoán là "đánh bạc", đầu tư coin là một cái gì đó phạm pháp, hoặc có khi nghĩ là "biết gì mà đầu với chả tư", Tuấn Anh kể.
Một vấn đề nữa khi tiếp cận đầu tư với gen Z là câu chuyện nguồn vốn. Nguyễn Gia Huấn kể tiền mua cổ phiếu của anh là tiền công làm gia sư. Còn khi mua tiền kỹ thuật số, Ngọc Anh dùng lương để đầu tư, ngoài ra anh còn vay thêm bạn bè.
Hầu hết gen Z đều không có quá nhiều tiền để đầu tư nhưng họ vẫn là nhóm đối tượng được các doanh nghiệp, trong đó có nhóm công ty chứng khoán, quỹ... để ý. Lý do là thế hệ này được cho là có tiềm năng, cả về kiến thức đầu tư, khát vọng đầu tư lẫn tiềm năng về tài sản trong tương lai.
"Tôi nghĩ gen Z rất năng động, nên đầu tư cho biết và để phần nào đó giúp cho mình độc lập tài chính. Dù thế, khi đầu tư, họ nên đặt ra các nguyên tắc cho bản thân để đỡ bị rủi ro quá lớn trong đầu tư, chẳng hạn như cần bổ sung kiến thức, không dùng margin khi đầu tư chứng khoán", anh Nguyễn chia sẻ.
Tuy nhiên, có nhiều lưu ý với gen Z trong đầu tư, đặc biệt là đầu tư chứng khoán.
Chuyên gia Quách Mạnh Hào cho biết, yếu tố tâm lý trong đầu tư rất quan trọng và "nói thì dễ nhưng làm thì rất khó vì chúng ta luôn bị chi phối bởi tâm lý cảm xúc".
Lời khuyên của ông với người mới đầu tư là "chừng nào khi các bạn mới đầu tư mà thấy lãi liên tục thì đừng có tham mà bỏ tiền nhiều vào". "Hãy cứ đầu tư cho đến khi nào bạn lỗ. Khi bạn lỗ rồi thì bạn sẽ nhận ra tại sao mình lại lỗ và từ đó sẽ có nguyên tắc hơn trong việc xác định thời điểm nên vào, nên ra khỏi thị trường", ông chia sẻ.
Bên cạnh đó, dù là với gen Z hay bất cứ thế hệ nào khi đầu tư thì việc chuẩn bị những nền tảng kiến thức là quan trọng, song song với những kinh nghiệm "thực chiến".
Generation Z hay gen Z là nhóm người sinh từ năm 1997 đến năm 2012 (có người nói từ năm 1997 đến năm 2015).
Trong đó, quãng tuổi được công nhận rộng rãi nhất là những năm sinh 1997-2012. Phần lớn gen Z là con cái của gen X (sinh từ năm 1965 đến 1979), thế hệ tiếp theo sau Millennials (thế hệ Y) và trước thế hệ Alpha (α).
Sinh ra trong thời đại công nghệ và internet bùng nổ, thế hệ Z còn được gọi bằng những cái tên khác như iGeneration, Homeland Generation, Net Gen, Digital Natives, Neo-Digital Natives, Pluralist Generation, Internet Generation, Centennials, Later - Millennials, Zoomers , Gen Wii, Gen-Tech...