GDP đã tăng 8,1%

Tổng cục Thống kê vừa công bố tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước 9 tháng đầu năm là 8,1%. Đây là mức cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm gần đây. Các chuyên gia kinh tế lạc quan tin rằng động lực này sẽ giúp GDP quý IV tăng 9% và hoàn thành mục tiêu năm cũng như cả giai đoạn 2001-2005.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 8,1% tăng trưởng chung, khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 0,8%, công nghiệp và xây dựng 4% còn dịch vụ đóng góp 3,3%.

 

Kết quả đạt được trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp tháng 9 tiếp tục khả quan hơn cùng kỳ năm ngoái và tăng cao hơn 8 tháng đầu năm nay. Giá trị sản xuất tháng này ước đạt 40,8 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với tháng 9 năm trước.

 

Tính chung 9 tháng, kết quả đạt được là 308,6 nghìn tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2004. Đáng chú ý là kết quả khả quan của toàn ngành công nghiệp chủ yếu "trông cậy" vào lĩnh vực chế biến.

 

Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến 9 tháng tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn hẳn mức tăng của công nghiệp khai thác mỏ và khai khoáng (9%) cũng như công nghiệp điện, khí đốt và nước (chỉ tăng 14,6%), đóng góp chính vào tăng công nghiệp cũng như tăng trưởng chung của nền kinh tế.

 

Khu vực dịch vụ cũng có mức tăng trưởng khá, đạt 8,2%, cao hơn hẳn tốc độ 7% của 9 tháng năm ngoái. Trong khi đó, giá trị sản xuất nông, lâm và thuỷ sản ước đạt 125,87 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3%.

 

Tuy nhiên, do khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung nên cơ cấu kinh tế ngành tiếp tục chuyển dịch theo chiều hướng tăng ở khu vực công nghiệp, xây dựng và giảm ở khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản và dịch vụ.

 

Đầu tư là một trong những nhân tố quan trọng kích thích tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm. Tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện trong thời gian này ước đạt 226,7 nghìn tỷ đồng, bằng 75,6% kế hoạch năm. Trong đó, vốn Nhà nước chiếm 52,6%, vốn ngoài Nhà nước chiếm 30,2%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 17,2%.

 

Khởi sắc trong lĩnh vực thu hút FDI thể hiện sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh tế, chính trị Việt Nam. Theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm đến 22/9, cả nước có 570 dự án mới được cấp giấy phép đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,64 tỷ USD.

 

Số dự án tăng 10% nhưng vốn đã tăng tới 64% cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính cả phần tăng thêm do mở rộng đầu tư, số vốn FDI đến nay ước đạt trên 4 tỷ USD.

 

Hoạt động ngoại thương có nhiều tiến bộ khi tốc độ tăng nhập khẩu được kìm thấp hơn tăng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 23,5 tỷ USD, tăng 21,1% trong khi nhập khẩu đạt 27,39 tỷ USD, tăng 19,2%.

 

Đáng chú ý, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dầu thô, dệt may, giày dép và thuỷ sản đều đã đạt kim ngạch khoảng 2 tỷ USD trở lên. Thêm 3 mặt hàng đạt kim ngạch cỡ 1 tỷ USD trở lên là gạo, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng điện tử và máy tính.

 

Khoảng cách giữa tốc độ tăng xuất khẩu và tốc độ tăng nhập khẩu được thu hẹp dần giúp kéo nhập siêu về mức 3,89 tỷ USD, chỉ bằng 16,6% kim ngạch xuất khẩu và là tỷ lệ tích cực hơn so với con số 17,8% của cùng kỳ năm 2004 hay 23,5% của 9 tháng 2003.

 

Bên cạnh những kết quả khả quan, nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều nỗi lo. Vấn đề đáng quan tâm trong sản xuất công nghiệp là chất lượng tăng trưởng. Công nghiệp có xu hướng tăng cao ở khu vực ngoài quốc doanh, chủ yếu là tăng mở rộng quy mô sản xuất, tăng số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ với trình độ kỹ thuật và công nghệ hạn chế.

 

Cả hai khu vực kinh tế ngoài quốc doanh cũng như khối có vốn đầu tư nước ngoài đều đang tập trung phát triển công nghiệp gia công, lắp ráp, là những ngành có tỷ lệ chi phí trung gian cao. Mặt khác, các ngành gia công lắp ráp lại phụ thuộc nặng vào nguyên liệu nhập khẩu.

 

Trong khi đó, lạm phát vẫn chưa được cải thiện, thậm chí còn có nguy cơ bước vào giai đoạn tăng cao hơn, đặc biệt trong những tháng cuối năm. Giá tiêu dùng tháng 9 tăng 0,8% so với tháng trước, cao nhất trong 6 tháng và cũng là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm từ 2001 trở lại đây.

 

Như vậy, CPI đã tăng 6,8% so với tháng 12/2004 và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Các chuyên gia nhận định, thời gian tới, phải tiếp tục nỗ lực vượt bậc nhằm đẩy mạnh sản xuất, kiềm chế mức độ tăng giá tiêu dùng và ảnh hưởng của giá nhập khẩu nguyên liệu, vật tư quan trọng đến sản xuất trong nước. Có như vậy, tốc độ tăng trưởng GDP trong quý IV mới cao hơn quý III và đạt trên 9% để đảm bảo tăng trưởng cả năm là 8,4% so với 2004.

 

Theo Vnexpress