Gas lậu sắp “hết cửa”?

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bình gas bằng thép sẽ có hiệu lực thi hành từ 15/9 tới. Theo đó, việc kinh doanh, vận chuyển, bảo quản gas sẽ an toàn hơn và tình trạng gas lậu sẽ được hạn chế.

Tránh tình trạng làm giả bình gas, sang chiết gas lậu, từ 15/9 tới sản xuất bình gas phải theo quy chuẩn

 

Sang chiết gas lậu, làm giả như thật

 

Các doanh nghiệp (DN) chuyên doanh gas cho biết, trong những năm gần đây hiện tượng hoán cải bình gas, chiết nạp trái phép, giả mạo sở hữu công nghiệp… gây thiệt hại nặng nề cho DN, người tiêu dùng (NTD). Đáng chú ý, hiện tượng hoán cải bình gas ngày càng nhiều.

 

Cụ thể, đối tượng có những “lò sản xuất” chuyên trách nhiệm vụ mài mòn vỏ bình phần thương hiệu dập nổi, sau đó đắp thương hiệu mới lên, sơn lại đồng thời cắt quai bình gas cũ, hàn quai mới.

 

Ngoài ra, đối tượng còn cắt thân bình gas thương hiệu này ráp vào bình thương hiệu khác kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, sau đó cho ra lò một bình gas với thương hiệu lạ.

 

Từ đây, các DN sản xuất, kinh doanh chân chính rơi vào thế “khó đỡ” là đứng ra giải quyết hậu quả của những đối tượng sang chiết lậu, mạo danh hàng chính hãng.

 

“NTD tìm đến chúng tôi, nhưng họ đâu biết rằng bình gas họ đang dùng là bình dởm; gas trong bình là gas sang chiết lậu…” - chủ một DN chuyên doanh gas thương hiệu tại TPHCM bức xúc cho biết.

 

Theo các DN, việc đầu tư vào vỏ bình gas chiếm khoảng 70% tổng giá trị tài sản DN. Vì vậy, những DN thiếu khả năng không dám hoạt động trong lĩnh vực này. Để nhanh chóng kiếm lời, đối tượng buôn lậu chọn cách chiếm dụng vỏ gas của các thương hiệu uy tín; hoán cải, giả mạo vỏ gas… nhằm trục lợi phi pháp. Đó là một trong các yếu tố làm tăng nguy cơ cháy nổ, gây bức xúc dư luận xã hội hiện nay.

 

“Đối tượng sang chiết lậu không cần đầu tư vỏ chai, không bảo dưỡng, kiểm tra việc sang chiết định kỳ, đẩy trách nhiệm cho các DN làm ăn chân chính. Gas lậu đang giết gas thật!” - ông Đỗ Trung Thành, Phó phòng kinh doanh gas Saigon Petro cho biết.

 

Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM, trong quý 1-2013, các đội QLTT đã kiểm tra, xử phạt hàng chục vụ vi phạm về chiết nạp trái phép, không giấy phép kinh doanh gas… Chi hội gas miền Nam cũng cho biết, đầu năm 2013, cơ quan Công an tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra, phát hiện hai trạm chiết nạp gas trái phép với quy mô lên đến hàng chục ngàn bình gas giả mạo các thương hiệu nổi tiếng. Số hàng này chuẩn bị đem đi tiêu thụ tại Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước… Tại hiện trường, cơ quan chức năng còn thu giữ rất nhiều vỏ bình gas, niêm màng co, tem chống giả dởm.

 

Gas lậu sắp “hết cửa”?
Người tiêu dùng có nhiều cơ hội được sử dụng những bình gas an toàn từ những công ty gas có thương hiệu, tên tuổi.

 

Siết chặt quy chuẩn sản xuất bình gas

 

Ngày 31/07/2013, Bộ Công Thương đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) bằng thép có dung tích chứa từ 0,5 - 150 lít.

 

Theo đó, bên cạnh những quy định về vật liệu, thiết kế và chế tạo như: Chi tiết hàn vào chai phải được chế tạo bằng vật liệu tương thích; các đáy chai phải chế tạo theo dạng hình elip hoặc chỏm cầu và phải làm bằng vật liệu liền tấm theo đúng kỹ thuật…, quy trình chế tạo bình chứa LPG còn phải đảm bảo yêu cầu nghiêm ngặt về các thử nghiệm trong chế tạo để được nghiệm thu như: Thử cơ tính (thử kéo, thử uốn, thử kéo mối hàn), kiểm tra bề mặt mối hàn, kiểm tra thô đại và chụp ảnh bức xạ, thử nổ thủy lực, thử kín, thử mỏi…

 

Theo đó, bên cạnh những quy định về vật liệu, thiết kế và chế tạo như chi tiết hàn vào bình gas phải được chế tạo bằng vật liệu tương thích, quy trình chế tạo bình chứa gas phải đảm bảo yêu cầu nghiêm ngặt về các thử nghiệm trong chế tạo, kiểm tra bề mặt mối hàn, chụp ảnh bức xạ, thử nổ thủy lực, thử kín…

 

Ngoài ra, còn hướng dẫn cụ thể về phương thức kiểm tra lô, loạt sản phẩm và việc ghi nhãn bình chứa gas. Trong đó, trên tay xách bình gas phải được đóng rõ ràng các thông tin như tên đơn vị sở hữu, tiêu chuẩn chế tạo, tên nhà sản xuất, tháng, năm chế tạo, khối lượng chai rỗng, áp suất…

 

Trong quá trình nạp LPG vào chai, phải tiến hành thực hiện kiểm định khi phát hiện chai quá thời hạn kiểm định hoặc không thể xác định được thời hạn kiểm định; không được nạp LPG vào chai không có thông tin về khối lượng vỏ; có khuyết tật hoặc hư hỏng ở tay cầm, vành chân đai hoặc bị ăn mòn nhìn thấy được…

 

Theo nhận định của ông Đỗ Trung Thành, Phó phòng Kinh doanh gas của Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM, thị trường gas sẽ có sự chuyển biến tích cực về mặt chất lượng vỏ bình. Từ đó, vấn đề kinh doanh cũng như chất lượng mặt hàng gas sẽ phần nào được minh bạch hơn. Ông Thành cho rằng, việc quy chuẩn này được ban hành sẽ hạn chế được một phần tình trạng gas lậu.

 

Tuy nhiên, theo một cán bộ QLTT thì để quản lý tốt mặt hàng này rất cần sự phối hợp của nhiều lực lượng chức năng để góp phần lành mạnh hóa thị trường, đảm bảo quyền lợi của người dân cũng như DN làm ăn chân chính. “Thực tế, chúng tôi vẫn kiểm tra, có hình thức xử phạt cụ thể, đúng quy định các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực vận chuyển, kinh doanh, sản xuất gas lậu, gas giả chứ không nương tay. Tuy nhiên, trước thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng này, chúng tôi sẽ đề ra phương án kiểm tra, xử phạt rốt ráo hơn” – cán bộ này cho biết.

 

Theo H. Thanh (tổng hợp)

VietQ