Gần Tết, tiền lẻ lại "nóng"

Muốn đổi một tép tiền mệnh giá 500 đồng còn nguyên sê-ri trị giá 50.000 đồng tại cổng Chùa Hà (Hà Nội), khách hàng phải trả thêm 50.000 đồng. Đến hẹn lại lên, nhu cầu tiền lẻ đi lễ cầu may đang nóng dần lên, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước đã dừng in tiền mệnh giá nhỏ.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Cuối tuần qua, PV đã có dịp dạo một vòng quanh một số đền chùa nổi tiếng tại Hà Nội, những “điểm nóng” về đổi tiền lẻ tại Hà Nội. Tại cổng chùa Quán Sứ, vài bàn bán hoa, hương, nến… trước cổng chùa đều có dịch vụ đổi tiền lẻ. Chỉ vào các tập tiền lẻ bày trên bàn không còn mới, phóng viên hỏi về cách thức đổi tiền thì được biết, để đổi được 1 tép tiền mệnh giá 500 đồng, trị giá 50.000 đồng, khách hàng phải trả 70.000 đồng. Đối với cọc tiền mệnh giá 1.000 đồng, trị giá 100.000 đồng, khách hàng phải trả 120.000 đồng. Tỷ lệ đổi tiền với tiền có mệnh giá từ 2.000 đồng đến 20.000 đồng là “100 ăn 80” (khách hàng trả 100 đồng lấy về 80 đồng).

Khi phóng viên có ý chê tiền hơi cũ, một phụ nữ đứng tuổi chủ quầy đổi tiền bảo: “Nhà nước đã không in tiền mới từ mấy năm nay, được như thế này đã là tốt lắm rồi. Cô có đổi thì đổi nhanh, không thì chả còn bao nhiêu đâu”.

Tình hình tại Phủ Tây Hồ có vẻ hơi khác. Các tủ kính để tiền lẻ mới bên trong được bày rất nhiều ngay bên ngoài cửa Phủ và đặc biệt là toàn tiền nguyên cọc mới tinh có mệnh giá từ 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng. Tuy nhiên, chi phí đổi tiền lẻ thì cao hơn hẳn. Giá đổi tiền lẻ phổ biến ở đây là 1 tép tiền mệnh giá 500 đồng, trị giá 50.000 đồng, khách phải trả chênh lệch 40.000 đồng. Còn với tiền mệnh giá 1.000 đồng, trị giá 100.000 đồng, khách hàng phải trả thêm 30.000 đồng. Với tiền từ mệnh giá 2.000 đồng trở lên đến 20.000 đồng cũng theo tỷ lệ “100 ăn 80”.

Khi phóng viên hỏi có giảm được giá, bà chủ quầy hàng ngay cổng Phủ nói: “Đổi nhiều thì giảm chút ít cho vui, vì cô đã mua 85.000 đồng 1 tép 500 đồng rồi. Còn cần đổi bao nhiêu cũng có hết, cô vừa lấy tiền ở ngân hàng về mấy ngày nay”.

Rời Phủ Tây Hồ, phóng viên sang một địa điểm mới là Chùa Hà. Giá đổi tiền lẻ mới tại đây có lẽ đắt nhất khi một tép 500 đồng nguyên sê-ri trị giá 50.000 đồng, khách hàng phải trả thêm 50.000 đồng. Tiền đã qua sử dụng, nhưng vẫn còn mới thì chỉ trả thêm 20.000 đồng. Tiền mệnh giá 1.000 đồng, trị giá 100.000 đồng thì khách hàng phải chi phí 120.000 đồng, tiền mệnh giá 2.000 đồng, trị giá 200.000 đồng thì khách phải trả 220.000 đồng…

Để đổi 1 tép tiền lẻ mệnh giá 500 đồng, khách hàng có thể phải trả gấp đôi chi phí

Để đổi 1 tép tiền lẻ mệnh giá 500 đồng, khách hàng có thể phải trả gấp đôi chi phí

“Ngày Rằm hay mồng Một, người đi chùa nhiều, việc đổi tiền lẻ nhộn nhịp hơn những ngày thường. Tuy nhiên, thời điểm khách đến đổi tiền đông nhất từ giờ trở ra Giêng”, người phụ nữ ở Phủ Tây Hồ nhận xét.

Trái ngược với việc tiền lẻ được đổi với chi phí không rẻ tại những địa điểm tâm linh thì trong các siêu thị, cửa hàng, tiền mệnh giá nhỏ lại đang bị từ chối. Tại cửa hàng thuốc khá lớn trên phố Láng Hạ, đơn thuốc trị giá 282.500 đồng mặc nhiên được nhân viên bán hàng làm tròn thành 283.000 đồng với lý do không có tiền lẻ trả lại. Nếu khách hàng có đưa ra 282.500 đồng, nhân viên cũng không nhận với lý do “bây giờ ai tiêu tiền lẻ”.

Còn tại cửa hàng sữa trên phố Tây Sơn, khi phóng viên thắc mắc sao không trả đủ tiền thừa cho khách hàng, nhân viên nói: “Ngân hàng không cung cấp đủ tiền mệnh giá nhỏ nên anh/chị thông cảm”.

Nói về việc lưu thông tiền lẻ, ông Nguyễn Chí Thành, Cục trưởng Cục Phát hành và kho quỹ, NHNN Việt Nam cho biết, là cơ quan phát hành tiền, NHNN có trách nhiệm cung ứng đầy đủ tiền mặt đáp ứng yêu cầu thanh toán của nền kinh tế cả về cơ cấu mệnh giá và giá trị. Trong lưu thông hiện nay gồm có các mệnh giá từ 200 đồng đến 500.000 đồng để đảm bảo việc thanh toán của nhân dân được thuận tiện, hiệu quả.

Nhu cầu tiền lẻ đi lễ cầu may đang nóng dần 
Nhu cầu tiền lẻ đi lễ cầu may đang nóng dần 

“Có hiện tượng tâm lý ưa thích tiền mệnh giá lớn để thuận tiện trong bảo quản, vận chuyển. Trong một vài quan hệ thanh toán có tính cá biệt, người ta có thể không nhận lại tiền thừa có giá trị nhỏ như 200 đồng, 500 đồng, thậm chí 1.000 đồng. Nhưng trong hầu hết các giao dịch thanh toán, nhất là ở khu vực nông thôn, khi thu nhập thực tế của bà con còn tương đối thấp thì những đồng tiền này vẫn có giá trị”, ông Nguyễn Chí Thành nói.

Cũng theo ông Nguyễn Chí Thành, NHNN lưu ý rằng, việc từ chối nhận, lưu hành tiền mệnh giá nhỏ trong lưu thông là hành vi không phù hợp, vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành (Điều 23, Luật NHNN). “NHNN mong muốn nhân dân hưởng ứng chủ trương làm sạch, đẹp đồng tiền trong lưu thông của NHNN bằng việc bảo quản, sử dụng đồng tiền hợp lý và chủ động đến các ngân hàng, Kho bạc Nhà nước để đổi lấy tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông. Qua đó, nâng cao chất lượng đồng tiền trong lưu thông nói chung”, ông Nguyễn Chí Thành nhấn mạnh.
 
Theo Nhuệ Mẫn
Đầu tư Chứng khoán
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”