1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Gần một nửa số doanh nghiệp đa cấp báo lỗ, đóng góp không đáng kể cho ngân sách

(Dân trí) - Đến hết năm 2016 có 11 doanh nghiệp đạt lợi nhuận dương với tổng lợi nhuận ước đạt 177 tỷ đồng, 18 doanh nghiệp báo cáo lỗ và 8 doanh nghiệp không thực hiện báo cáo đối với chỉ tiêu này; tổng số thuế đã nộp về ngân sách Nhà nước trong năm 2016 ước đạt 881 tỷ đồng.


(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Báo cáo của Bộ Công Thương gửi tới đại biểu Quốc hội về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn cho thấy một số tình hình chung về hoạt động bán hàng đa cấp ở Việt Nam thời gian qua.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, cuối năm 2015, đầu năm 2016, có 67 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp (giấy chứng nhận).

Đến cuối năm 2016, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã giảm 27 doanh nghiệp xuống còn 40 doanh nghiệp. Trong số này, có 15 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận, 10 doanh nghiệp chủ động chấm dứt hoạt động và 02 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.

Trong 4 tháng đầu năm 2017, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp tiếp tục giảm thêm 4 doanh nghiệp, trong đó có 3 doanh nghiệp chủ động chấm dứt hoạt động và 1 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Tính tới hết tháng 4 năm 2017, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp còn hoạt động là 36 doanh nghiệp, giảm 46% so với cuối năm 2015.

Theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp, tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp tính đến cuối năm 2016 là 637.637 người, giảm 212.363 người (25%) so với cuối năm 2015. Tính đến hết tháng 4 năm 2017, sau khi tiến hành chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, số lượng người tham gia tiếp tục giảm xuống còn 472.000 người, giảm 44% so với cuối năm 2015.

Tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2016 đạt khoảng 7.800 tỷ đồng, giảm khoảng 200 tỷ đồng so với năm 2015 (giảm 2,5%). Doanh thu bán hàng đa cấp chủ yếu đến từ thực phẩm chức năng (59%) và mỹ phẩm (24%). Doanh thu từ đồ gia dụng chiếm 6,6%, doanh thu từ quần áo thời trang chiếm 2%, doanh thu từ thiết bị chiếm 0,5%, còn lại 8,2% là các mặt hàng khác.

Tổng số hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác mà các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã chi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp đạt khoảng 2.400 tỷ đồng, chiếm khoảng 31% tổng doanh thu toàn ngành. Trong đó, giá trị khuyến mại quy đổi thành tiền đạt 43 tỷ 931 triệu đồng, chiếm khoảng 2% tổng giá trị hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế.

Về hiệu quả kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế, đến hết năm 2016 có 11 doanh nghiệp đạt lợi nhuận dương với tổng lợi nhuận ước đạt 177 tỷ đồng, 18 doanh nghiệp báo cáo lỗ và 8 doanh nghiệp không thực hiện báo cáo đối với chỉ tiêu này; tổng số thuế đã nộp về ngân sách Nhà nước trong năm 2016 ước đạt 881 tỷ đồng.

Nhận xét sơ bộ về tình hình kinh doanh bán hàng đa cấp ở Việt Nam thời gian qua, Bộ Công Thương cho rằng, tính từ đầu năm 2016 đến nay, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp giảm mạnh, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp cũng giảm tương đối lớn nhưng doanh thu toàn ngành chỉ giảm khoảng 200 tỷ đồng (khoảng 2,5%) cho thấy phản ứng của xã hội đối với các hành vi đa cấp bất chính hầu như không ảnh hưởng tới doanh thu toàn ngành.

Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp được Bộ Công Thương đánh giá là rất thấp khi có tới 18/37 doanh nghiệp (trên 50%) năm 2016 báo cáo lỗ. Một số doanh nghiệp có doanh thu rất cao nhưng tỷ lệ lợi nhuận trước thuế/doanh thu rất nhỏ (Công ty Amway chỉ đạt 3,8%, Công ty Thiên Ngọc Minh Uy chỉ đạt 0,5%). Đóng góp thực sự của các doanh nghiệp cho ngân sách Nhà nước, vì vậy, là không đáng kể, chủ yếu đến từ thuế giá trị gia tăng do người tiêu dùng chi trả, không phải từ thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong khi đó, đóng góp của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trong việc tạo ra thu nhập và việc làm là không rõ ràng. Cụ thể, tổng số hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác chi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp đạt khoảng 2.400 tỷ đồng, tuy lớn về giá trị tuyệt đối nhưng nếu chia đều cho gần 640 ngàn người tham gia hệ thống thì thu nhập bình quân của người tham gia bán hàng đa cấp là không đáng kể, chỉ khoảng 3,8 triệu đồng/người/năm. Thu nhập này là không đủ để thu hút người tham gia hệ thống. Điều này cho thấy trong số gần 640 ngàn người tham gia bán hàng đa cấp, chỉ có một tỷ lệ nhỏ là người bán hàng thực sự. Số còn lại hầu như không tham gia bán hàng.

Bộ Công Thương cũng cho rằng, hoạt động bán hàng đa cấp dựa rất mạnh vào thực phẩm chức năng và mỹ phẩm (chiếm 83% doanh thu, trong đó thực phẩm chức năng chiếm tới 59%). Có thể nói, nếu không có thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, bán hàng đa cấp sẽ rất khó tồn tại. Đây là những mặt hàng rất khó xác định giá trị thật và vì vậy, rất dễ xảy ra tình trạng giá bán hoàn toàn thoát ly giá trị cũng như giá trị sử dụng. Tuy các giao dịch đều được thực hiện trên nguyên tắc "thuận mua, vừa bán", Nhà nước không thể can thiệp, nhưng đây là yếu tố đáng chú ý, cần được tuyên truyền rộng rãi để người dân biết và chủ động tìm hiểu mối quan hệ giữa giá cả và giá trị thật của sản phẩm trước khi mua hàng.

Phương Dung