1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Bình Định:

Gần 1.900 trâu, bò chết vì bệnh mới, nông dân thiệt hại tiền tỷ

Doãn Công

(Dân trí) - Tỉnh Bình Định đã ghi nhận gần 1.900 con trâu, bò bị chết do bệnh viêm da nổi cục mới xuất hiện năm nay, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho bà con nông dân.

Ngày 20/7, ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh này vừa công bố dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn gia súc, phạm vi công bố dịch trên địa bàn toàn tỉnh.

Gần 1.900 trâu, bò chết vì bệnh mới, nông dân thiệt hại tiền tỷ - 1

Bình Định ghi nhận hàng nghìn con trâu, bò bị chết do bệnh viêm da nổi cục, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng của bà con nhân dân.

"Việc công bố dịch ở quy mô cấp tỉnh là cơ sở để UBND tỉnh bố trí kinh phí đảm bảo đầy đủ, phục vụ kịp thời cho công tác tổ chức phòng, chống dịch và kinh phí hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có trâu, bò chết, xử lý tiêu hủy theo quy định", ông Nguyễn Văn Quốc cho hay.

Theo Chi cục chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định, dịch bệnh viêm da nổi cục xuất hiện trên đàn trâu, bò lần đầu tiên tại xã Cát Thành, huyện Phù Cát vào ngày 27/4.

Đến nay, dịch xuất hiện ở 11 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh, tổng số bò mắc bệnh là 14.496 con; đã chữa khỏi 9.239 con, đang chăm sóc điều trị là 3.368 con.

Tuy nhiên, số trâu bò bị chết và tiêu hủy lên đến 1.889 con, gây thiệt hại rất lớn cho bà con nhân dân.

Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục chăn nuôi và Thú y, hiện ngành Thú y tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch. Tập trung mọi nguồn lực để dập dịch, khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh.

Hiện một số địa phương như Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, thị xã An Nhơn và thị xã Hoài Nhơn có số bò bệnh đang theo dõi, điều trị giảm. Một số xã tại các địa phương trong tuần không phát sinh ca bệnh mới. Tỷ lệ tiêm phòng toàn tỉnh đạt gần 85% tổng đàn diện tiêm, khoảng hơn 200.000 con.

Tuy nhiên, do thời điểm từ tháng 6 đến nay, bệnh xuất hiện ở thể nặng, chủ yếu xảy ra trên bê con chưa thuộc diện tiêm phòng và trâu, bò già. Trong khi đó, tình hình nắng nóng gay gắt khắc nghiệt, dẫn đến bò bệnh suy kiệt nên vẫn còn xảy ra tình trạng bò chết.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, cho biết, ảnh hưởng tình hình dịch Covid-19, công tác tổ chức tiêm phòng, điều tra dịch tễ và tổ chức xử lý dịch bệnh trên trâu, bò gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, tình hình dịch cúm gia cầm AH5N8 đang xảy ra tại một số tỉnh thành trong cả nước. Các địa phương trong tỉnh tiếp tục tăng cường tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm. Trong khi đó, lực lượng thú y mỏng, nên càng gặp khó khăn.