Gà thải Trung Quốc tràn ngập, nhập nhèm đội lốt "gà ta xịn"
(Dân trí) - Hơn 5h sáng, chợ gà Hà Vĩ đã đông đúc chật người. Những chiếc xe máy đèo từng lồng to sụ chứa vài chục con gà ra vào nhộn nhịp. Từ đây, gà mía Trung Quốc bắt đầu hành trình len lỏi vào các chợ, quán ăn nhà hàng dưới cái mác "gà ta xịn”.
Mỗi ki ốt tại chợ Hà Vĩ mỗi ngày nhập hàng trăm con gà Trung Quốc.
Chợ đầu mối: Tràn ngập gà thải Trung Quốc
3h sáng, khi PV có mặt tại chợ gà Hà Vĩ (xã Lê Lợi, Thường Tín, Hà Nội) đã ồn ào tấp nập. Chợ Hà Vĩ có 3 dãy ki ốt, dãy đầu tiên bán vịt và ngan, hai dãy còn lại nối nhau bán toàn gà. Cả chợ chỉ bán gia cầm.
Trên con đường dẫn vào chợ, từng hàng dài xe tải đủ loại đang xếp hàng vào cổng. Phía bên trong chợ, trên các thùng xe từng lồng gà cỡ lớn được chuyền tay nhau xếp chật kín cả khoảng không phía trước mỗi ki ốt..
Khung cảnh tấp nập ồn ào kéo dài cho đến tận tờ mờ sáng. Điều ngạc nhiên là công tác kiểm dịch tại chợ đầu mối này được thực hiện khá sơ sài. Việc kiểm tra lâm sàng và phun thuốc sát trùng hầu như không được cán bộ thú y thực hiện.
Trong vai một người quản lý làm cơm cho công nhân tại khu công nghiệp, khi tôi hỏi từng chủng loại gà, giá thì liên tục được các tiểu thương mời mọc: “Lấy bao nhiêu chỉ cần báo trước một ngày, mua trên trăm con sẽ được giảm hai giá”.
Chợ gia cầm Hà Vĩ bán gà có gà công nghiệp rẻ nhất chỉ dao động khoảng 20 đến 25 nghìn đồng/kg. Gà mía Bắc Giang thì giá 65 nghìn đồng/kg. Gà mía Trung Quốc có giá 45 đến 50 nghìn đồng/kg.
Gà công nghiệp lông ít, mỡ nhiều, nấu lên nhiều nước, thịt bở nên rất dễ phân biệt với gà ta. Còn gà mía Trung Quốc da giòn, thịt dai, trọng lượng lại bé rất giống với đặc điểm gà ta "xịn" nên lái buôn gà cứ nhập nhèm lẫn lộn.
Một tiểu thương tên Bình tư vấn cho tôi: “Nếu lấy hàng bán cơm suất thì chọn gà mía Trung Quốc là chuẩn nhất. Ăn như gà ta xịn, chẳng ai phàn nàn gì đâu”. Theo tiểu thương này thì gà Trung Quốc gọi là gà thải bởi loại gà này đã "hết đát' thải ra từ những trang trại chăn nuôi bên kia biên giới phía TQ.
Để giảm giá hơn nữa, theo tiểu thương này tôi nên nhập gà mía Trung Quốc hàng thải vào cuối ngày giá chỉ có 38 nghìn đồng/kg. Loại gà này thường gãy cánh, gãy chân nên thường có những nốt u nhỏ bằng ngón tay ở cánh gà và bắp đùi gà.
Tuy nhiên một tiểu thương bán gà công nghiệp tên Thái phía ki ốt dãy sau lại nói với tôi rằng những nốt u màu xanh tím sẫm đó là do thuốc tiêm. Thuốc này được tiêm vào những con gà sức khỏe yếu để chống chết trên đường di chuyển. Theo người bán gà công nghiệp này thì những con gà tiêm thuốc có dáng điệu ủ rũ, mắt gà lờ đờ, cầm cả con gà bắt lên vẫn còn sống mà chẳng thấy cựa quậy gì...
Tới hơn 5h sáng, chợ gà Hà Vĩ đã đông đúc chật người. Từng người chở xe máy vào chợ đèo từng lồng to vài chục con ra vào nhộn nhịp. Từ chợ gà đầu mối này, gà mía Trung Quốc len lỏi vào các chợ lớn nội thành, chợ dân sinh. Thậm chí có cả những xe tải cỡ nhỏ liên tục bốc hàng chở đi các tỉnh.
Len lỏi vào chợ, nhà hàng hô biến thành “gà ta xịn”
Theo chân một tiểu thương khác ăn hàng từ chợ Hà Vĩ, sau khi "ăn hàng" xong, tiểu thương này chở cả xe gà đi thẳng một mạch tới chợ trên đường Nguyễn An Ninh (quận Hai Bà Trưng). Tại đây, buổi sáng hình thành một chợ cóc nằm sát chợ chính.
Ba lồng gà to cỡ lớn được người bán lẻ này bày ở góc chợ rồi chọn những loại gà xấu nhanh nhảu đưa vào máy tuốt lông. Vài con gà mía Trung Quốc nằm trên xạp hiện hình da trắng muốt, mình thuôn dài, mảnh. Gà Trung Quốc được mời chào đon đả là “gà ta xịn” Bắc Giang. Và giá cũng được nâng lên thành 80 nghìn đồng/kg làm sẵn, còn gà lông thì 70 nghìn đồng/kg.
Trở lại cuộc trao đổi giữa PV - người vào vai phụ trách thầu bữa cơm công nhân nghìn suất mỗi ngày và tiểu thương chợ gà Hà Vỹ. Ngay sau chiều hôm đó, tiểu thương tên Bình liên tục gọi hỏi: “Anh đặt hôm nay bao nhiêu. Hôm nay em có ba xe về. Gà thải gãy cánh, chân nhiều lắm. Giá chỉ 38( 38 nghìn đồng/kg). Anh lấy nhanh đi, nhiều người đặt lắm rồi".
Theo tiểu thương này, hàng ngày có hàng chục quán cơm bình dân, quán phở là khách thường xuyên của chị. “Gà này (gà TQ) nấu hoặc xào không có nước. Khi luộc xé ra làm phở, miếng mỏng thịt dai ngon lắm”, tiểu thương này mời mọc.
Để phân biệt được gà ta và gà Trung Quốc đã rất khó phân biệt. Còn khi đã thịt rồi thì người tiêu dùng “có muốn thông thái cũng chịu”!
Chiều 10/7, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần nói, trong lúc mình đang thừa gà vịt, thì gà loại thải Trung Quốc tràn vào Việt Nam thoải mái, đây là điều bất thường. Theo ông Tần, khi Trung Quốc tạm dừng nhập gia súc, gia cầm của Việt Nam, thì một con lợn của mình cũng không chui qua được biên giới. Trong khi gà Trung Quốc siêu rẻ vẫn tràn vào Việt Nam, do giá gà Trung Quốc rẻ chỉ bằng hơn nửa giá gà trong nước, dù hiện nay giá gà trong nước chưa đến 30 nghìn đồng/kg, dưới cả giá thành 5-6 nghìn đồng. Ở chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ (Thường Tín, Hà Nội) phần lớn là gà Trung Quốc. |
Thông Chí