Gà thải loại nhập lậu ngập trong kháng sinh và virus H5N1

95% số mẫu gà thải loại nhập lậu bị thu giữ đều phát hiện tồn dư kháng sinh, gây nguy hại cho sức khỏe con người. Nghiêm trọng hơn, 58% trong số gà đó dương tính với virus H5N1...

Trong khi tình trạng nhập lậu gà thải loại từ Trung Quốc vẫn diễn biến phức tạp... đang là thách thức với cơ quan chức năng và gây hoang mang cho người tiêu dùng. Ngày 31/1, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì cuộc họp bàn về công tác ngăn chặn gà lậu...
 
Mua bán gà làm sẵn tại Chợ Hôm - Đức Viên (Hà Nội). Ảnh chụp lúc 10h30 ngày 31/1/2013. Ảnh: Kỳ Anh
Mua bán gà làm sẵn tại Chợ Hôm - Đức Viên (Hà Nội). Ảnh chụp lúc 10h30 ngày 31/1/2013. Ảnh: Kỳ Anh
95% số mẫu gà lậu tồn dư kháng sinh

Một tháng triển khai đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gà thải loại nhập lậu theo Quyết định 2088 của Thủ tướng Chính phủ và hai tháng triển khai phương án ngăn chặn gà nhập lậu tại Hà Nội, nạn gà lậu đã có chuyển biến, vận chuyển gà nhập lậu công khai đã giảm. Nhưng theo Bộ Công an, tình trạng kinh doanh, vận chuyển gia cầm nhập lậu nhỏ lẻ vẫn phức tạp, tinh vi.

Lái buôn vận chuyển gà  thải loại, gà giống nhập lậu qua biên giới Lạng Sơn, sau đó tập kết tại các khu dân cư ven quốc lộ rồi chia nhỏ sang nhiều xe với khoảng 500 – 800kg gà mỗi xe, 3.000 – 5.000 con gà giống, tỏa đi nhiều nơi tại thị trấn Kép, huyện Lạng Giang, Bắc Giang, từ đó chuyển về Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Nam... tiêu thụ. Giá gà lậu ở biên giới Quảng Ninh chỉ bằng 1/8 giá gà nội. Tại Lào Cai, gà lậu giá 30.000đ/kg.

Bộ NNPTNT liên tục lấy mẫu xét nghiệm virus cúm gia cầm H5N1 và tồn dư hóa chất độc hại tại Hà Nội, Quảng Ninh và Lạng Sơn. Kết quả đã có 20% số mẫu gà giống và 58% số mẫu gà thải loại (35/60 mẫu) dương tính với virus H5N1. Nguy hại hơn, có 19/20 mẫu gà thải loại có tồn dư kháng sinh sulphadiazine, chiếm tỉ lệ 95%. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho hay: “Tôi đi thực tế, các hộ dân ở biên giới nói thẳng với tôi là dứt khoát không ăn gà buôn lậu, người dân Trung Quốc ở bên kia biên giới cũng không ăn. Việc ngăn chặn gà lậu không thể chậm trễ hơn được nữa”.

Tỉnh nào cũng... khó

Theo đại diện tỉnh Bắc Giang, khó nhất là xử lý các lô gà bắt giữ, bởi nhìn cảm quan rất khó phân biệt và xử lý số gà thải. Khi giữ hàng để lấy mẫu, việc nuôi nhốt tạm gà thu giữ rất nan giải, tiêu hủy gà lậu cũng phát sinh nhiều vấn đề về địa điểm, chi phí, ô nhiễm... Điều này cũng tương tự như ở  Hải Dương, và trong khi chờ xác minh, nhiều đối tượng ngang nhiên thách đố người thi hành công vụ. Tỉnh Hải Dương đề nghị ban hành quy trình tiêu hủy gia cầm đồng bộ, đảm bảo vệ sinh, hỗ trợ thêm kinh phí tiêu hủy gia cầm nhập lậu.

Trước lý do nhu cầu gà giống tăng cao, nhưng nguồn cung nội địa chỉ đáp ứng 40 – 50%, nên  một lượng lớn gà giống lậu được nhập về... Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Thị Xuân Thu khẳng định: “Gà giống hiện tại đủ cung ứng cho các cơ sở sản xuất trong nước, chất lượng đảm bảo, giá thành 10.000đ/con. Bộ đã ban hành hướng dẫn quy trình tiêu hủy gửi các địa phương, kinh phí tiêu hủy đối tượng kinh doanh phải chịu”.

Ráo riết ngăn chặn gà lậu

Kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Sau một tháng triển khai đề án, điều lớn nhất làm được là các địa phương đã có kế hoạch cụ thể về chương trình hành động ngăn chặn gà lậu. Chợ gia cầm Hà Vĩ, Hà Nội hiện khống chế 100% không có gà lậu. Quảng Ninh lần đầu tiên có chuyên án lớn phát hiện hàng chục tấn thực phẩm bẩn nhập trái phép, đang chuẩn bị khởi tố”. Theo Phó Thủ tướng, với mục tiêu khống chế cơ bản nạn gà lậu năm 2013, vẫn còn nhiều việc phải ráo riết hơn.

Theo đó, việc ngăn chặn vận chuyển, tiêu thụ gà lậu cần song song giữa ngăn chặn gà lậu và khuyến khích sản xuất trong nước. Hiện lực lượng công an đã xác định 26 đường dây chuyên buôn gà lậu Trung Quốc lớn tại 18 tỉnh, thành phía bắc. Phó Thủ tướng yêu cầu tuyên truyền vận động các hộ này không kinh doanh gà nhập lậu, báo cáo kết quả lên Chính phủ trước 8.2. Các bộ chức năng  sớm hoàn  thiện sổ tay hướng dẫn xử lý gà nhập lậu, đưa lên website các bộ; giao Bộ Công Thương mua thiết bị tiêu hủy gia cầm trước ngày 25.2 để nhanh chóng đưa vào sử dụng.      

Phân biệt gà ta và gà thải loại nhập lậu

Theo khuyến cáo của Cục thú y, nhìn bằng mắt thường rất khó phân biệt gà ta và gà thải loại. Tuy nhiên, các bà nội trợ sẽ dễ nhận diện gà thải loại khi sờ trực tiếp bằng tay khi mua. Nếu là gà thải, do đẻ trứng trong thời gian dài nên lông ở phần cổ và phần đầu bị trụi, phần hậu môn sẽ phình to. Khi mổ, thấy buồng trứng teo nhỏ, có xuất huyết trong bụng gà. Theo một số người tiêu dùng có kinh nghiệm, gà Trung Quốc da thường nhăn nheo, thịt khi luộc lên có màu trắng bệch, dai, thậm chí có mùi giống như mùi thuốc kháng sinh...
 
Theo Dương Hà