FPT Long Châu và Sanofi Việt Nam xử lý rác thải nhựa từ bút tiêm insulin

Trường Thịnh

(Dân trí) - Công ty Cổ phần dược phẩm FPT Long Châu và Công ty Cổ phần Sanofi Việt Nam vừa ký kết biên bản hợp tác triển khai dự án "Thu gom và xử lý rác thải nhựa từ bút tiêm insulin" bảo vệ môi trường.

Ngày 17/6/2022, Công ty Cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu (FPT Long Châu) và Công ty TNHH Sanofi-Aventis Việt Nam (Sanofi Việt Nam) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai dự án "Thu gom và xử lý rác thải nhựa từ bút tiêm insulin". Đây là dự án phát triển bền vững hướng đến mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa và tiên phong tạo ra giải pháp xử lý đúng cách bút tiêm insulin đã qua sử dụng tại Việt Nam.

FPT Long Châu và Sanofi Việt Nam xử lý rác thải nhựa từ bút tiêm insulin - 1
Công ty Cổ phần dược phẩm FPT Long Châu (FPT Long Châu) và Công ty TNHH Sanofi-Aventis Việt Nam (Sanofi Việt Nam) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai dự án "Thu gom và xử lý rác thải nhựa từ bút tiêm insulin".

Hằng năm, tại Việt Nam có đến 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra. Trong đó, tại các thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội, lượng rác thải nhựa mỗi ngày lên đến 80 tấn. Vì chưa có thói quen phân loại rác tại nguồn, các loại rác thải y tế tại Việt Nam thường bị trộn lẫn và xử lý, chôn lấp chung với rác thải sinh hoạt.

Đối với bệnh nhân đái tháo đường, insulin là giải pháp điều trị cần thiết trong giai đoạn bệnh tiến triển và bút tiêm insulin được thiết kế để giúp người bệnh có thể tiêm insulin một cách đơn giản và thuận tiện tại nhà. Tuy nhiên, theo ước tính của Sanofi, có hơn 8,8 triệu bút insulin được sử dụng mỗi năm tại Việt Nam, tương đương khoảng 228 tấn nhựa bị thải bỏ.

Nhằm góp phần giảm thiểu lượng rác thải nhựa từ bút tiêm insulin sau khi sử dụng, Sanofi Việt Nam kết hợp với FPT Long Châu khởi xướng dự án "Thu gom và xử lý rác thải nhựa từ bút tiêm insulin". Trong giai đoạn chạy thử nghiệm, dự án sẽ được triển khai thí điểm tại chuỗi cửa hàng của FPT Long Châu ở TPHCM từ tháng 7/2022 và kéo dài trong một năm. Mục tiêu của giai đoạn này là thu gom và xử lý đúng cách 90.000 bút tiêm insulin đã qua sử dụng, tương đương với việc giảm thiểu 2,3 tấn rác thải nhựa.

Buổi lễ ký kết còn có sự chứng kiến của các lãnh đạo cấp cao từ tập đoàn Sanofi như ông Marc-Antoine Lucchini - Giám đốc ngành hàng Thuốc tổng quát toàn cầu trong chuyến thăm và làm việc của ông tại Việt Nam để tìm hiểu về tiềm năng của các thị trường đang phát triển ở châu Á.

FPT Long Châu và Sanofi Việt Nam xử lý rác thải nhựa từ bút tiêm insulin - 2
FPT Long Châu và Sanofi Việt Nam kỳ vọng dự án có thể phát triển xa hơn với quy mô toàn quốc, giúp nhân rộng những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng, góp phần mang lại ý nghĩa thiết thực đối với môi trường.

Bà Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Retail, kiêm Tổng giám đốc FPT Long Châu chia sẻ: "Hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội và nỗ lực của FPT Long Châu, lan tỏa thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của việc thu gom và phân loại rác thải nhựa đúng cách, đặc biệt là các loại rác thải y tế, góp phần bảo vệ môi trường sống, từ đó sức khỏe con người cũng sẽ được nâng cao. Đồng hành cùng Sanofi Việt Nam triển khai dự án trong công cuộc bảo vệ môi trường thể hiện qua những thay đổi thực tế, chúng tôi kỳ vọng dự án có thể phát triển xa hơn với quy mô toàn quốc, giúp nhân rộng những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng".

FPT Long Châu và Sanofi Việt Nam xử lý rác thải nhựa từ bút tiêm insulin - 3
Bà Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Retail, kiêm Tổng giám đốc FPT Long Châu.

Ông Emin Turan - Giám đốc điều hành ngành hàng Thuốc Tổng quát - Tổng Giám đốc Sanofi Việt Nam cho biết: "Góp phần bảo vệ hành tinh là một trong 4 mục tiêu hàng đầu của Sanofi trong chiến lược tác động xã hội của tập đoàn. Là đơn vị đề xuất ý tưởng, Sanofi Việt Nam vinh dự khi được FPT Long Châu đồng hành trong một dự án đem lại ý nghĩa thiết thực đối với môi trường. Hy vọng ý tưởng này sẽ được cộng đồng bệnh nhân sử dụng bút tiêm insulin ủng hộ để dự án có thể phát triển rộng hơn ra các tỉnh thành phố khác, đồng thời tạo nên một thói quen thân thiện với môi trường".