FII lỗ kép

Khi VNĐ bị mất giá mạnh sẽ khó thu hút dòng vốn gián tiếp đầu tư nước ngoài (FII), làm tăng nguy cơ thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế.

FII lỗ kép  - 1
Nhà đầu tư Hàn Quốc được tư vấn đầu tư tại sàn chứng khoán SME.
 
Trong phiên giao dịch ngày 16/11, thị trường chứng khoán tiếp tục xuống dốc, giá nhiều cổ phiếu vẫn tiếp tục giảm mạnh. Trên thị trường tiền tệ, tỉ giá USD vẫn nằm ở mức cao sau khi tăng mạnh trong mấy ngày qua. Do diễn biến giá cổ phiếu và USD trái chiều làm cho vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài bị lỗ kép.

Lỗ nặng vì mua cổ phiếu

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán SJC, cho biết: “Thống kê sơ bộ từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã mua ròng lượng cổ phiếu trên 2 sàn trị giá hơn 12.000 tỉ đồng, tăng rất nhiều so với năm trước”.

Ngoài một số ít mã như BVH, HAG, VNS... được khối này mua nhiều thì giá giảm nhẹ hoặc tăng chút ít, đại đa số còn lại vẫn giảm mạnh theo thị trường. Đặc biệt, những mã có mức vốn trung bình trở xuống, do thiếu lực mua và do làm ăn gặp khó khăn nên giá giảm rất mạnh. Trên sàn TPHCM, trong số 20 mã nước ngoài tập trung mua số lượng lớn, có nhiều mã mức giá đã giảm trên 50%.

Cổ phiếu HSG từ 38.000 đồng nay chỉ còn 14.500 đồng, mất 62%. Mã GMD trong quý I giá 60.000 đồng, nay chỉ còn 27.600 đồng, mất 54%. Còn mã CSM từ mức 60.000 đồng nay chỉ còn 27.000 đồng, mất 55%...

Do mua số lượng nhiều, khi giá cổ phiếu giảm mạnh thì khối nước ngoài bị lỗ rất nặng. Đơn cử, thời điểm đầu năm, khối nước ngoài mới sở hữu 6% vốn điều lệ của Công ty Hoa Sen (HSG) nhưng nay tỉ lệ sở hữu đã lên tới 19%, tăng 13%.

HSG hiện có vốn điều lệ hơn 1.000 tỉ đồng. Như vậy, từ đầu năm đến nay, khối nước ngoài đã mua thêm 130 tỉ đồng vốn điều lệ (tương đương 13 triệu cổ phiếu).

Do mua rải rác kéo dài nhiều tháng nên tạm tính giá HSG nước ngoài mua vào bình quân 30.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, giá trị vốn FII đổ vào mua HSG từ đầu năm đến nay khoảng 390 tỉ đồng. Nhưng so với hiện tại, lượng cổ phiếu đó chỉ còn giá trị 188 tỉ đồng, tức bị âm 202 tỉ đồng.

Lỗ thêm vì USD tăng giá

Để có tiền VNĐ mua cổ phiếu, khối nước ngoài phải chuyển đổi ngoại tệ ra tiền Việt. Thời điểm đầu năm, giá USD khoảng 18.500 đồng, nay lên 21.000 đồng. Do giá cổ phiếu giảm mạnh, trong khi tỉ giá USD lại tăng nên nếu sau khi đổi sang tiền Việt và mua hết cổ phiếu, nhà đầu tư nước ngoài bị lỗ kép, làm cho mức thiệt hại càng tăng thêm.

Để có đủ tiền mua lượng cổ phiếu HSG nói trên, nước ngoài phải chi hơn 21 triệu USD (tính theo tỉ giá đầu năm). Nay giá trị số cổ phiếu này chỉ còn 188 tỉ đồng (tương đương gần 9 triệu USD – tính theo tỉ giá hiện tại). Vì lỗ kép nên mức thiệt hại thực tế lên đến 57%.

Trước đây, mỗi khi thị trường chứng khoán giảm mạnh, khối nước ngoài tăng giải ngân nhưng hiện nay “lòng dũng cảm” đó đang giảm dần. Trong những ngày vừa qua, họ mua ít hơn thời kỳ trước. Bởi khi giá VNĐ giảm mạnh, nhà đầu tư nước ngoài sau khi chuyển đổi ngoại tệ sang tiền Việt dù để cất trong tài khoản thì cũng bị lỗ nặng.

Còn nếu mua cổ phiếu (như từ đầu năm đến nay), họ sẽ bị lỗ kép nên mức thiệt hại càng nặng hơn nhà đầu tư trong nước. Bởi sợ rủi ro lớn như vậy nên từ đầu năm đến nay dòng vốn nóng nước ngoài hầu như chưa đổ vào Việt Nam, trong khi các nước đón nhận luồng vốn này rất mạnh.

Vì thế, trong khi tất cả thị trường chứng khoán các nước đều tăng cao thì Việt Nam lại giảm sâu, mặc dù kinh tế tăng trưởng hấp dẫn. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, khi VNĐ bị mất giá mạnh sẽ khó thu hút dòng vốn FII. Điều đó làm tăng nguy cơ thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế.

Theo Trần Phú Minh
Báo Người lao động