1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

EVN trần tình về độc quyền trong ngành điện

(Dân trí) - Phía "nhà đèn" khẳng định, bản thân EVN không muốn độc quuyền, đặc trưng của ngành điện, lưới truyền tải và lưới phân phối là độc quyền tự nhiên, do đó, "dù muốn phá cũng không được".

Ông Đinh Quang Tri: Độc quyền tự nhiên, muốn phá cũng không được (ảnh: B.D)
Ông Đinh Quang Tri: Độc quyền tự nhiên, muốn phá cũng không được (ảnh: B.D)

Phát biểu trước báo giới trong buổi Tọa đàm chiều 20/7, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Đinh Quang Tri bày tỏ, "Bản thân EVN không muốn độc quyền mà thực tế chúng tôi cũng rất muốn kêu gọi những doanh nghiệp khác vào để cùng đầu tư". 

Cái khó hiện nay của EVN là ở cơ chế và Tập đoàn đang đứng giữa nhiều bài toán nan giải. Trước hết, với vai trò là một doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng giao nhiệm vụ EVN phải cấp đủ điện trong khi các điều kiện về tài chính, về giá cả lại chưa đáp ứng được. Giá điện hiện nay chưa theo kịp với thị trường và nếu tăng giá cao quá thì nền kinh tế không chịu đựng nổi, khách hàng cũng chưa thể chấp nhận được ngay. Còn nếu cắt điện, để thiếu điện lại gây thảm họa rất lớn cho nền kinh tế.

Đại diện "nhà đèn" đồng thời khẳng định, vấn đề thị trường hóa ngành điện, dù muốn nhanh cũng phải có lộ trình, phải làm từng bước và không thể làm ngay. Đặc trưng của ngành điện, lưới truyền tải và lưới phân phối là độc quyền tự nhiên do đó, ông Tri cho biết, "dù muốn phá cũng không được". 

Phân tích cho ý này, Phó TGĐ EVN nói, thứ nhất, không ai đi làm thêm một đường dây 500 kV nữa để cạnh tranh tranh lại, sẽ phải tốn hàng tỉ USD. Cũng không phải Chính phủ nào cũng có thể cho phép 1 công ty khác làm thêm một mạng lưới điện khác đến từng khu vực, do quá tốn kém nguồn lực đất nước.

Và như vậy, người tiêu dùng vẫn sẽ phải chờ cho đến 2022 khi có thị trường điện bán lẻ cạnh tranh thì "đáp số" về tình trạng độc quyền tự nhiên của EVN trong ngành điện mới có lời giải.

Nói về sự tác động của việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh hiện nay, ông Tri cho biết, không mấy ảnh hưởng đến hoạt động mua điện EVN do mới chỉ ó 29 nhà máy điện tham gia, sản lượng mới chỉ chiếm 38%. Trong đó, có tới 95% là theo giá hợp đồng còn 5% theo thỏa thuận theo thị trường và phải dần dần mới nâng lên yếu tố thị trường lên.

Không muốn "ôm" các Genco!

Trong số 29 nhà máy trực tiếp tham gia thị trường điện cạnh tranh (vận hành từ 1/7), có nhiều nhà máy điện lớn EVN sở hữu 100% vốn hoặc chiếm cổ phần chi phối như Thác Bà, Uông Bí, Hải Phòng… Trước đó, Bộ Công thương đã thành lập 3 tổng công ty phát điện (Genco) ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, hạch toán độc lập, với mục tiêu tạo được sự cạnh tranh về nguồn phát.  

Đến 2015, theo kế hoạch, tỉ lệ điện phát của EVN sẽ chỉ còn 17-18%, phần lớn sẽ do bên ngoài sản xuất, nhiệm vụ chính của EVN chỉ mua điện và bán điện cho các Tổng công ty phân phối điện bán lẻ.
 
Ông Tri cho biết, EVN sau khi thấy nhiều doanh nghiệp muốn tham gia đầu tư phát điện thì EVN đã có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho tách các Genco này ra khỏi EVN để minh bạch thị trường điện. Tuy nhiên, nếu cho tách ra ngay thì các Genco sẽ không hoạt động được do tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu quá cao, không thể đi vay vốn và hàng loạt dự án sẽ bị tắc. 

Đáp lại một số ý kiến cho rằng, lập luận trên chỉ là ngụy biện của EVN, cứ tách ra thì các Genco này sẽ đều "sống" được, ông Tri nói, bản thân các công ty hiện nay đều đang hạch toán độc lập và cổ phần hóa, EVN không can thiệp. "Chỉ có ngày đại hội cổ đông là chúng tôi bầu ra Chủ tịch, sau đó các Chủ tịch này sẽ tự cử ra Tổng giám đốc, ban điều hành. Như thế thử hỏi EVN thao túng cái gì ở thị trường điện này?" - ông Tri phát biểu.

Hiện, Thủ tướng chỉ đạo, các Genco được thành lập vẫn trực thuộc EVN trong thời gian đầu khoảng 3 năm.Trong thời gian đó, EVN có trách nhiệm "nuôi" 3 Genco này "trưởng thành" đủ điều kiện cổ phần hóa sẽ cổ phần hóa và tách khỏi EVN. Thời điểm tách dự kiến vào 2015-2016. Nhưng với yêu cầu khi tách thì các Genco đã phát triển mạnh và "khỏe".

Trong khi đó, theo ông Tri, khó khăn lớn nhất của các Genco hiện nay là nợ trên vốn chủ sở hữu đã quá 5 - 6 lần trong khi nếu quá 3 lần thì ngân hàng không dám cho vay.

Chính phủ yêu cầu trong giai đoạn đầu, EVN phải đi vay vốn rồi về cho các Genco này vay lại để bảo đảm dòng tiền cho các dự án đầu tư không bị gián đoạn. 

Theo đó, phía "nhà đèn" nói, việc "ôm" vào các Genco này trong giai đoạn đâu không phải là điều EVN mong muốn mà là trách nhiệm Thủ tướng và Bộ Công thương giao.

Bích Diệp