Bỏ độc quyền: Viễn thông làm được, vì sao điện - xăng dầu lại không?

(Dân trí) - Đáp lại chất vấn, vì sao bưu chính viễn thông cũng là lĩnh vực nhạy cảm nhưng đã bỏ được độc quyền, trong khi lộ trình xóa bỏ độc quyền ở ngành điện kéo dài tới 17 năm, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, do có sự tác động lớn nên phải thận trọng.

Sáng nay (14/6), Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đăng đàn giải trình về đến giải pháp chung của Chính phủ và của Bộ về các vấn đề liên quan đến những lĩnh vực do Bộ quản lý, trong đó, nội dung bàn về sự độc quyền của ngành điện và xăng dầu trong thời gian vừa qua tiếp tục được các đại biểu đưa ra.

Cụ thể, số lượng câu hỏi liên quan đến 2 lĩnh vực này chiếm tới 9/16 câu hỏi mà Bộ trưởng Hoàng nhận được.

Do điện, xăng dầu là lĩnh vực nhạy cảm nên mỗi bước đi chính sách đều phải thận trọng.
Do điện, xăng dầu là lĩnh vực nhạy cảm nên mỗi bước đi chính sách đều phải thận trọng.

Khẳng định ngành điện và xăng dầu là những lĩnh vực quan trọng của đất nước liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia, tuy nhiên cho đến nay thì riêng ở ngành điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn là đơn vị duy nhất phụ trách truyền tải và phân phối điện. Bộ trưởng thừa nhận, nếu kéo dài tình trạng hiện nay thì sẽ khiến thị trường điện thiếu sự cạnh tranh lành mạnh và hạn chế động lực phát triển ngành, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Bộ trưởng cũng lưu ý, Chính phủ đã có lộ trình để xóa bỏ độc quyền ở ngành này, song là xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp chứ kông phải là độc quyền nhà nước.

Theo đó, tháng 7 này sẽ chính thức vận hành thị trường phát điện cạnh tranh. Các nhà máy phát điện không phân biệt thuộc hay không thuộc EVN đều được tự do chào giá đối với trung tâm điều độ điện lực quốc gia.

Tiếp theo, đến 2014 sẽ tiến hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Tới năm 2022 mới có thể thực hiện thị trường bán lẻ cạnh tranh.

Đồng ý với nhận xét của đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), Bộ trưởng cũng đưa ra đánh giá, lộ trình này tương đối dài, kéo dài từ năm 2004 đến năm 2022, mất 17 năm cho việc xóa bỏ độc quyền.

Tuy nhiên, ông lý giải, do vấn đề thị trường điện với Việt Nam là hết sức mới mẻ khi chuyển từ cơ chế tập trung trước đây sang cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, nhiều vấn đề phức tạp phải có thời gian vừa làm vừa điều chỉnh.

Hơn nữa, do điện là mặt hàng đặc biệt liên quan toàn bộ đời sống xã hội nên bất cứ mọi thay đổi nào cũng đều sẽ ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và ảnh hưởng đến sản xuất, do đó, bước đi chính sách yêu cầu cần thận trọng.

Tán dương câu trả lời thẳng thắn của Bộ trưởng Hoàng, song đồng thời đại biểu Bùi Mạnh Hùng vẫn cho biết, chưa hết băn khoăn vì sao phải để lộ trình kéo dài như vậy, bởi lộ trình này càng lâu càng bất lợi cho nền kinh tế.

Ông Hùng đánh giá, “Tôi thấy Bộ chưa tích cực”. Bởi qua nghiên cứu dự thảo Luật Điện lực, đại biểu Hùng cho biết, chưa thấy có hướng nào nói đến việc xóa bỏ độc quyền.

Vị đại biểu từ Bình Phước chất vấn: “Bộ trưởng nói đây là một ngành quan trọng. Nhưng ở nước ta, trước đó đã xóa bỏ được độc quyền ở ngành bưu chính viễn thông – đây cũng từng là một ngành nhạy cảm. Đến nay, bưu chính viễn thông đã phát triển ổn định và đã đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế”.

Như vậy, việc kéo dài tình trạng độc quyền ở ngành điện, theo ông Hùng, Bộ trưởng Hoàng cần có trách nhiệm trước nhân dân, cần rút ngắn được lộ trình. Bày tỏ lòng tin vào năng lực của Bộ trưởng có thể giải quyết được vấn đề này, song đại biểu Hùng cũng đưa ra một câu hỏi mở đầy ý nhị “Phải chăng là Bộ trưởng còn thiếu trách nhiệm và tâm huyết với nhân dân?”.

Đáp lại câu hỏi “vừa là gợi ý vừa là yêu cầu” của đại biểu, “tư lệnh” ngành công thương cho biết, “trách nhiệm chúng tôi đã nhận và sẽ cố gắng làm hết trách nhiệm, còn rút ngắn được không thì còn phụ thuộc vào điều kiện thực hiện có cho phép hay không”. Bởi, những thay đổi ở ngành điện, theo ông, nghe thì dễ nhưng mỗi lần thực hiện thì sẽ có những phản ứng khác nhau từ nhân dân. Ông nhắc lại quan điểm của mình, do điện là mặt hàng nhạy cảm nên phải hết sức thận trọng, đồng thời hứa hẹn “nếu có điều kiện rút ngắn được phần khúc nào thì sẽ cố gắng”.

Tương tự ở lĩnh vực xăng dầu, thời gian vừa qua, cơ quan điều hành cũng đã thực hiện lộ trình xóa độc quyền ở phân phối sản phẩm xăng dầu. Đến nay, cả nước có 12 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu phân phối xăng dầu cả trong và ngoài quốc doanh.

Nói về độc quyền của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Bộ trưởng nói, do có lịch sử của vấn đề. Vì vai trò của Petrolimex trong việc phân phối xăng dầu từ trước đến nay lớn, nên thị phần của doanh nghiệp này trên thực tế vẫn đang xoay quanh 60%. Bộ trưởng Công thương khẳng định, trong quá trình xây dựng đất nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó có Petrolimex đã hoạt động vì quyền lợi đất nước, nhân dân và cần ghi nhận.

Ông cũng nói thêm, riêng xăng dầu, chủ trương đến hiện tại, chưa cho phép nước ngoài tham gia.

Lãnh đạo Công thương cho biết, xin nhận một phần trách nhiệm do thời gian vừa qua trong việc tham mưu, đôn đốc với Chính phủ để tránh độc quyền vẫn chưa làm hết trách nhiệm của mình.

Bích Diệp