Không thể cạnh tranh giá điện khi còn độc quyền

(Dân trí) - “Thị trường điện hiện nay EVN chiếm đến 90% thị phần, những đơn vị khác tham gia phát điện đều phải theo quyết định của EVN. Tức là không thể đưa ra giá cạnh tranh tốt hơn được”, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (đoàn TPHCM) nhấn mạnh.

Sáng nay 6/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực. Đa số các đại biểu nhất trí với sự cần thiết cần sửa đổi, bổ sung Luật điện lực đã được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 3/12/2004, có hiệu lực từ ngày 1/7/2005.

Tham gia đóng góp cho dự án luật, đa số đại biểu cho rằng, chính độc quyền hiện nay tạo ra sự bất bình đẳng, khó cạnh tranh, hệ quả là người dân phải chịu sự thiệt thòi.

Các đại biểu thảo luận bên hành lang Quốc hội (ảnh: Việt Hưng).
Các đại biểu "thảo luận" bên hành lang Quốc hội (ảnh: Việt Hưng).

Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (đoàn TPHCM) cho rằng: Thị trường điện hiện nay EVN chiếm đến 90% thị phần, nên những đơn vị khác tham gia phát điện đều phải theo quyết định của EVN. Tức là không thể đưa ra giá cạnh tranh tốt hơn được, cũng như hạn chế tạo ra thị trường cạnh tranh đúng nghĩa.

Đồng tình với chính sách giá điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, nhưng vị đại biểu này cho rằng: Chính phủ đưa ra 3 lộ trình phát triển thị trường điện nhưng rất cứng nhắc. Tức là phát điện cạnh tranh 2005 - 2014; bán buôn cạnh tranh 2014 - 2022; sau 2022 mới có thị trường bán lẻ cạnh tranh.

“Chúng ta chưa khắc phục được sự độc quyền trong khâu phát điện, truyền tải và phân phối. Điều này sẽ nảy sinh sự bất bình đẳng giữa nhà cung cấp và khách hàng. Để khắc phục tình trạng này, tôi đề nghị Luật bổ sung điều đơn vị cung cấp điện phải công khai minh bạch quy chế vận hành và cơ cấu giá điện theo thị trường. Qua đây, tôi kiến nghị ban soạn thảo phải lấy ý kiến nhân dân, người sử dụng điện để đưa vào tổng kết trước khi trình Quốc hội thông qua”, đại biểu Thiện nhấn mạnh.

Cùng mạch nói về thị trường điện cạnh tranh, đại biểu Trần Tiến Dũng (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, điện là loại hàng hóa đặc biệt, có tác động rộng lớn tới đời sống và nền kinh tế, nhưng chúng ta chưa hình thành được một thị trường phát điện điện cạnh tranh lành mạnh, minh bạch. Trong nhiều trường hợp, người tiêu thụ luôn chịu thiệt. Ví dụ nhưngười dân chậm nộp tiền điện sẽ bị nhà cung ứng cắt điện, trong khi đó, việc cung ứng chất lượng kém, cắt điện làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt thì chưa thấy cơ chế bồi thường.

Cũng theo một số đại biểu, hiện EVN đang độc quyền giá điện, hệ thống cơ sở hạ tầng và truyền dẫn... Do đó, khi chúng ta chưa xây dựng được các đối tác cạnh tranh bình đẳng với EVN thì việc thực hiện bán điện theo cơ chế thị trường rất khó áp dụng. Trước thực trạng này, Chính phủ cần quan tâm chống độc quyền điện, tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp tham gia kinh doanh để người dân được quyền lựa chọn.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM), việc sửa đổi luật đang được đặt ra là cần thiết, bởi giá điện hiện được toàn xã hội quan tâm. Vị đại biểu này kiến nghị: “Đi liền với việc điều chỉnh sửa đổi Luật Điện lực, cần phải có một quá trình tái cơ cấu của ngành điện.

Bởi để tính được giá điện, chúng ta phải dựa vào báo cáo tài chính kiểm toán của ngành điện. Nhưng báo cáo tài chính của ngành điện là một ngành kinh doanh tổng hợp, kinh doanh ngoài ngành mà ta đòi hỏi dựa vào đây để căn cứ tính giá điện là một vấn đề và chúng ta cần phải tái cơ cấu. Tức là ông điện phải tập trung vào ngành điện, phải thoát nhanh ra khỏi đầu tư ra ngoài ngành”, đại biểu Ngân nói.

Nguyễn Hiền