EVN “rút” nhân sự đại diện phần vốn góp tại ABBank

(Dân trí) - Thực hiện chủ trương thoái vốn của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thôi cử người đại diện phần góp vốn và đảm nhiệm chức danh tại Ngân hàng TMCP An Bình. Tư cách thành viên HĐQT và thành viên BKS của người đại diện vốn góp EVN tại ABBank đã chấm dứt.

Đại hội Cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2016 của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) tổ chức ngày 28/4 “nóng” vấn đề nhân sự khi EVN thôi cử người đại diện phần vốn góp tại nhà băng này.

Trước đó, ngày 14/01/2016, EVN đã gửi văn bản chính thức đến ABBank để thông báo việc thôi cử người đại diện phần góp vốn và đảm nhiệm chức danh tại ABBank. Việc EVN “rút” nhân sự đại diện tại ABBank nằm trong lộ trình thực hiện chủ trương thoái vốn của Chính phủ.

Tại ĐHCĐ thường niên 2016, HĐQT ABBank đã trình đại hội danh sách miễn nhiệm và đề cử thành viên HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2013 - 2017. Theo đó, IFC đề cử bà Iris Fang là thành viên HĐQT thay thế ông E. Gayle McGuigan Jr. Maybank đề cử bà Sim Sio Hoong, bà Lim Siew Ming làm thành viên HĐQT thay thế ông Lee Tien Poh. Ngoài ra, HĐQT cũng đề cử ông Trịnh Thanh Hải vào HĐQT nhà băng này. Đối với BKS, đại hội cũng đề nghị miễn nhiệm ông Nguyễn Phan Long và đề cử thành viên mới gồm bà Phạm Thị Hằng và bà Nguyễn Thị Hương.

Năm 2016, ABBank tăng vốn điều lệ 522 tỷ đồng
Năm 2016, ABBank tăng vốn điều lệ 522 tỷ đồng

Trước đó, trong phần thảo luận, cổ đông yêu cầu HĐQT ABBank nói rõ về kế hoạch niêm yết. HĐQT ngân hàng này cho rằng, do tình hình kinh tế, thị trường tài chính, hoạt động ngân hàng không thuận lợi, do vậy năm nay vẫn chưa đề cập đến vấn đề niêm yết trên sàn chứng khoán.

Chia sẻ về giá trị và việc sang nhượng cổ phiếu, HĐQT ABBank cho rằng, thanh khoản của ngân hàng tốt nên cổ đông cứ đến bất kỳ công ty chứng khoán nào cũng được để làm thủ tục sang nhượng. Trong quý II/2016, ABBank dự kiến chia 14,822974% cho cổ đông, trong đó chi trả cổ tức 3,9% bằng tiền mặt và chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 10,922974% bằng cổ phiếu sau khi được NHNNVN chấp thuận. Dự kiến đến năm 2017, ABBank sẽ thực hiện việc trích lập dự phòng rủi ro và khi đó chia cổ tức sẽ tốt hơn.

Báo cáo tài chính năm 2015 cho thấy, tổng thu nhập hoạt động trong năm 2015 đạt gần 1.967 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2014 và đạt 113% kế hoạch năm 2015. Lợi nhuận trước dự phòng rủi ro tín dụng trong năm 2015 đạt 770,9 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2014.

Ông Cù Anh Tuấn, Tổng Giám đốc ABBank cho biết, năm 2016, nhà băng này sẽ tăng vốn điều lệ 522 tỷ đồng từ 4.798 tỷ đồng lên 5.320 tỷ đồng sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Ngân hàng dự kiến sẽ xử lý nợ xấu ở mức 1,78% trên tổng dư nợ; Lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro của năm 2016 ước đạt 215,5 tỷ đồng, cao hơn 106,8 tỷ đồng so với năm 2015; Thu nhập thuần từ lãi đạt 1.880,5 tỷ đồng, tăng 221,2 tỷ đồng so với thực hiện năm 2015.

ABBank dự báo nền kinh tế Việt Nam có những dầu hiệu phục hồi khởi sắc, bên cạnh vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro từ bên ngoài tác động. Từ đó, ABBank tăng tỷ trọng doanh thu dịch vụ, mang lại thu nhập ổn định.

Công Quang

EVN “rút” nhân sự đại diện phần vốn góp tại ABBank - 2