EVN nêu "mất cân đối tài chính", thu nhập lao động ra sao?
(Dân trí) - Cho biết mặc dù đã nỗ lực thực hiện các giải pháp trong nội tại nhưng EVN vẫn bị mất cân đối tài chính, tập đoàn này vẫn khẳng định thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa báo cáo kết quả thực hiện trong năm 2023 các hoạt động có tính công ích và trách nhiệm xã hội. Tập đoàn này cho hay, tình hình tài chính năm 2022 và năm 2023 gặp rất nhiều khó khăn do chi phí nhiên liệu tăng cao.
"Năm 2023 tiếp tục là một năm hết sức khó khăn đối với EVN và các đơn vị thành viên trong việc cân đối tài chính do giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ tăng cao. Mặc dù đã nỗ lực thực hiện các giải pháp trong nội tại của EVN nhưng EVN vẫn bị mất cân đối tài chính", báo cáo của EVN nêu.
Tuy vậy, đơn vị này khẳng định "vẫn cố gắng đảm bảo việc làm, đời sống, ổn định thu nhập cho người lao động". Về việc chi trả lương, tập đoàn này cho biết tập đoàn và các đơn vị luôn đảm bảo trả lương kịp thời theo các quy chế hiện hành, người lao động được chi trả đầy đủ lương và các khoản phụ cấp theo đúng chế độ chính sách lao động.
Đơn vị này khẳng định trả đúng, đủ tiền lương làm thêm giờ, khẳng định tuân thủ quy định về giờ giấc lao động, không nợ bảo hiểm xã hội, có chế độ phúc lợi như khám sức khỏe định kỳ năm, khám định kỳ, bồi dưỡng với lao động làm việc nặng nhọc, độc hại...
Trước đó, EVN báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho hay chi phí mua điện tăng quá cao trong khi giá bán lẻ điện chưa được điều chỉnh tương ứng kịp thời nên không bù đắp được chi phí mua điện (giá bán lẻ điện bình quân đã được cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh 2 lần: lần 1 tăng 3% vào tháng 5/2023, lần 2 tăng 4,5% vào tháng 11/2023). Sản lượng thủy điện là các nguồn có giá thành thấp thì lại giảm mạnh so với năm 2022 (giảm 15,3 tỷ kWh), chi phí mua điện thị trường tăng cao.
Tổng doanh thu toàn tập đoàn năm 2023 ước đạt 497.000 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm 2022 nhưng EVN vẫn dự kiến lỗ năm thứ 2 liên tiếp.
Nộp gần 5.800 tỷ đồng chi phí thuế, phí tài nguyên nước
Theo báo cáo của EVN, trong năm 2023, tập đoàn đã rà soát và ban hành nhiều văn bản quán triệt, chỉ đạo các đơn vị, trong đó yêu cầu các đơn vị đảm bảo tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật và của tập đoàn về bảo vệ môi trường, tuyệt đối không để xảy ra sự cố môi trường, vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình đầu tư xây dựng và sản xuất kinh doanh.
"EVN luôn quán triệt, chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ nộp thuế, phí tài nguyên nước, phí bảo vệ môi trường cũng như các cam kết trong Hồ sơ môi trường được duyệt", báo cáo khẳng định. Trong năm 2023, tổng chi phí nộp thuế, phí tài nguyên nước và thực hiện công tác bảo vệ trong toàn tập đoàn là 5.756,26 tỷ đồng.
Về tiêu thụ tro xỉ các nhà máy nhiệt điện than, tỷ lệ tiêu thụ tro xỉ năm 2023 đạt 109,22% khối lượng tro xỉ phát sinh trong năm. Trong đó 8,48 triệu tấn tro xỉ đã được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng góp phần làm giảm sử dụng tài nguyên khoáng sản, giảm tác động môi trường.
Ngày 1/4/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2021/NĐ-CP quy định một số điều của Luật Doanh nghiệp. Điều 20 của Nghị định 47 yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước công bố thông tin doanh nghiệp, trong đó bao gồm kết quả thực hiện các nhiệm vụ công ích và trách nhiệm xã hội.