1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

EVN đối mặt với số lỗ dự tính là 31.360 tỷ đồng

Ghi Du

(Dân trí) - EVN nhận định trước bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn này năm 2022 dự tính có thể lỗ tớ 31.360 tỷ đồng.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết từ đầu năm, do biến động giá nhiên liệu (than, dầu, khí) thế giới làm cho chi phí sản xuất điện và mua điện tăng rất cao. Đơn vị này cho biết đã cố gắng tiết kiệm và cắt giảm chi phí, nhưng vẫn không thể bù đắp được chi phí đầu vào. Kết quả, công ty mẹ EVN lỗ khoảng 15.758 tỷ đồng trong 10 tháng, dự tính cả năm có thể lỗ 31.360 tỷ đồng.

Nếu căn cứ kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt từ đầu năm, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của EVN có thể lỗ tới 64.805 tỷ đồng.

EVN nêu ra các khó khăn như khó khăn trong việc không cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và do đó ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung cấp điện.

Tiếp đến là việc chi phí sửa chữa lớn đã phải cắt giảm 10-30% và việc sửa chữa tài sản tiếp tục bị cắt giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn vận hành hệ thống điện các năm tới.

Thứ ba là khó khăn trong việc huy động vốn, cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án điện, sửa chữa bảo dưỡng các công trình điện để đảm bảo cung ứng điện.

EVN đối mặt với số lỗ dự tính là 31.360 tỷ đồng - 1

EVN nhìn nhận bối cảnh hiện tại rất khó khăn do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng đột biến (Ảnh: EVN).

Trong khi đó, dự báo mới nhất của các tổ chức quốc tế, giá nhiên liệu thế giới năm 2023 chưa có xu hướng giảm xuống ở mức bình quân năm 2021, do đó dự kiến năm 2023 EVN vẫn tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn về sản xuất kinh doanh và cân bằng tài chính.

Đầu tháng 10, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các bộ ngành, địa phương lấy ý kiến các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Với đề xuất phương án 4 bậc và 5 bậc, Bộ Công Thương nhìn nhận việc giảm số bậc trong cơ cấu biểu giá bán lẻ điện có ưu điểm là đơn giản trong áp dụng, tạo điều kiện cho đơn vị điện lực trong việc quản lý, tính toán hóa đơn tiền điện, phù hợp với xu thế cải tiến cơ cấu biểu giá điện cho sinh hoạt tại một số nước trong khu vực.