EVN đưa biệt thự vào giá điện: Chờ kết luận của Thủ tướng

(Dân trí) - Bộ Công thương khẳng định sau khi có ý kiến kết luận chính thức của Chính phủ, chắc chắn Bộ Công Thương sẽ kiên quyết chỉ đạo xử lý các sai sót do chủ quan.

Tại buổi họp báo thường kỳ chiều ngày 4/11, về kết luận của Thanh tra Chính phủ trong việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính vào giá điện cả chi phí xây dựng sân tennis, biệt thự, ông Đinh Thế Phúc, Cục phó Cục Điều tiết điện lực cho biết, kết luận của Thanh tra mới chỉ là ý kiến ban đầu. Theo quy định, kết luận của thanh tra được trình lên và các bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến thì Thủ tướng Chính phủ mới đưa ra kết luận cuối cùng.
 
EVN đưa biệt thự vào giá điện: Chờ kết luận của Thủ tướng

 

“Sau khi có ý kiến kết luận chính thức của Chính phủ, chắc chắn Bộ Công Thương sẽ kiên quyết chỉ đạo xử lý các sai sót do chủ quan. Còn các vấn đề do khách quan, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ để có hướng khắc phục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và đảm bảo giá điện bán cho người tiêu dùng đúng bản chất”, ông Phúc cho biết.

 

Trước đó, đầu tháng 10 vừa qua, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, công ty mẹ EVN đã sử dụng trên 355.000 m2 đất để xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên gồm nhà biệt thự đơn lập, song lập, sân tennis, bể bơi… với tổng giá trị gần 600 tỷ đồng, được Bộ Công thương và EVN thống nhất đưa vào khoản mục “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa” nằm trong tổng mức đầu tư của các dự án nguồn điện. Chi phí này sau đó được đưa vào tính trong giá bán điện.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

 

Trao đổi với báo chí, Thanh tra Chính phủ cho rằng EVN xây dựng nhà trẻ, sân tenis, bể bơi, chung cư cao tầng… những công trình này phải dùng nguồn vốn phúc lợi, nếu dùng vốn khác thì công trình đó đương nhiên phải được khấu hao dần vào giá điện.

 

“Trong khi đó, bán điện cho mọi đối tượng là do nhà nước quản lý và Thanh tra Chính phủ không thể đi kiểm tra việc hạch toán riêng của từng công trình là như thế nào”, ông Ngô Văn Khánh - Phó tổng Thanh tra Chính phủ nói.

 

Về phía mình EVN khẳng định, những khoản đầu tư này được hạch toán riêng, không liên quan đến chi phí giá thành điện. Theo EVN, để thu hút những cán bộ công nhân, kỹ sư có trình độ cao về làm việc tại các nhà máy trong các điều kiện khó khăn nên các nhà máy điện đều phải có khu Quản lý vận hành sửa chữa, trong đó có hạ tầng và nhà ở cho cán bộ công nhân. Những nhà ở này thực chất là nhà ở công vụ, khi cán bộ công nhân không làm việc ở nhà máy phải trả lại nhà và ra khỏi khu Quản lý vận hành/nhà công vụ này. Các nhà ở biệt thự đơn lập, song lập được xây dựng cho các chuyên gia sinh sống trong quá trình thi công nhà máy, sau khi nhà máy xây dựng xong, các chuyên gia không ở nữa sẽ chuyển thành nhà khách cho khách đến làm việc hoặc nhà ở phục vụ quản lý vận hành.

 

Cao Minh
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước