EVFTA và các FTA mang lại gì cho nông sản đồng bằng sông Cửu Long?

Hải Hành Công Quang

(Dân trí) - Đó là câu hỏi mà rất nhiều doanh nghiệp quan tâm, cần được giải đáp tại Diễn đàn Mekong Connect năm 2020 vừa diễn ra ở Đồng Tháp.

Bà Bùi Thùy, Đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng, không chỉ EVFTA (hiệp định thương mại tự do châu Âu - Việt Nam), tất cả các hiệp định thương mại tự do - FTA khác (16 FTA) đều hữu ích cho đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cho nông sản nếu biết cách vận dụng - để được hưởng các ưu đãi được thiết kế riêng cho từng FTA.

Theo bà Bùi Thùy, bà con nông dân, các doanh nghiệp SME cần lưu ý về việc tự chứng nhận/tự khai báo xuất xứ vì đó là một yếu tố rất thuận lợi trong các FTA thế hệ mới (EVFTA, CPTPP - hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và trong ASEAN. Điều này, nên học hỏi ở các doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Nestle, Vinamit, Unifarm,… vì họ nắm rất vững.

EVFTA và các FTA mang lại gì cho nông sản đồng bằng sông Cửu Long? - 1
EVFTA và các FTA mang lại gì cho nông sản đồng bằng sông Cửu Long là câu hỏi mà rất nhiều doanh nghiệp quan tâm

"Tự chứng nhận/tự khai báo xuất xứ giúp doanh nghiệp không lệ thuộc vào cơ quan cấp C/O (Bộ Công Thương, VCCI,….). Thay vào đó, doanh nghiệp tự chứng nhận/tự khai báo và tự chịu trách nhiệm sẽ tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm nhân lực… nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA trong đó có EVFTA", bà Bùi Thùy nói.

Bà Thùy khuyến cáo, doanh nghiệp SME và bà con nông dân cần lưu ý, các FTA giúp giảm thuế (tariff), giảm dần, tiến tới về 0 - nhưng FTA ko có nghĩa là giúp các loại thuế phí khác giảm (fee, charge, tax...). FTA chỉ điều chỉnh thuế quan (tariff) áp tại cảng/biên giới chứ không điều chỉnh phí, charge, tax… trong nội địa.

Thuế quan giảm - rào cản thuế giảm tiến tới xóa bỏ thì rào cản kỹ thuật khác lại tăng (kiểm dịch động thực vật, thuế chống bán phá giá, thuế chống lẩn tránh, các biện pháp tự vệ,… lại là những rào cản được đẩy lên, thay thế cho thuế FTA).

EVFTA và các FTA mang lại gì cho nông sản đồng bằng sông Cửu Long? - 2
Cần làm thương hiệu cho sản phẩm/doanh nghiệp/ngành song song với các hoạt động xúc tiến thương mại khác để tăng giá trị xuất khẩu

"Tập trung tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, hàm lượng chế biến sâu, có thương hiệu - thay vì các sản phẩm thô, sơ chế, chưa có thương hiệu. Nếu không, chúng ta sẽ luôn ở phân khúc hàng giá thấp, không tạo được nhiều giá trị gia tăng ở lại với ĐBSCL, ở lại với người Việt Nam", bà Thùy nói. 

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương - cho biết, các FTA chỉ mở ra cơ hội, chứ không trực tiếp giúp tăng trưởng xuất khẩu, phát triển kinh tế.

Các cam kết với EVFTA, CPTPP là rất cao, đặc biệt các cam kết liên quan đến chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, các tiêu chuẩn về vệ sinh ATTP, các vấn đề về phát triển bền vững, CSR... Điều này sẽ tạo ra thách thức về năng lực đáp ứng cam kết và chi phí tuân thủ. Đòi hỏi chính quyền các cấp phải hỗ trợ cho nông dân về thông tin để giảm chi phí tuân thủ và nâng cao năng lực cạnh tranh để đáp ứng cam kết.

Để nông sản ĐBSCL "cất cánh", ông Vũ Bá Phú cho rằng, cần phải nâng cao tính liên kết vùng, hình thành các hệ sinh thái, chuỗi cung ứng, xúc tiến thương mại đi vào trọng tâm, quy mô...

"Cần hình thành các hệ sinh thái, nhanh chóng cấp mã vùng trồng để đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Cần làm thương hiệu cho sản phẩm/doanh nghiệp/ngành song song với các hoạt động xúc tiến thương mại khác để tăng giá trị xuất khẩu", ông Phú nói.

EVFTA và các FTA mang lại gì cho nông sản đồng bằng sông Cửu Long? - 3
Nhiều doanh nhân đang bàn tìm hướng ra cho nông sản Việt tại Diễn đàn Mekong Connect năm 2020 vừa diễn ra ở Đồng Tháp

Trước thềm Mekong Connect 2020, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, thị trường hiện tại đang rất háo hức về các cơ hội mới từ EVFTA, CPTPP và đặc biệt là RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực) vừa mới ký kết.

Những hiệp định này đã tạo ra cơ hội mới cho Việt Nam. Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ có các cơ hội để lấp vào những chỗ trống của các sự thay đổi. Đối với nông nghiệp, sự thiếu hụt của lương thực trên toàn cầu sẽ tạo ra những cơ hội nhất định cho Việt Nam, tuy nhiên, những thách thức vẫn còn ở đó.

Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, nền nông nghiệp và nông sản Việt Nam, ngoài những thách thức chung thì cơ hội vẫn có.

Điều quan trọng là chúng ta có thể nắm bắt hay không. Nâng chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản, trái cây và thủy hải sản, bên cạnh đó là tận dụng các hiệp định thương mại đã ký kết để vào và trụ được ở các thị trường đòi hỏi cao như EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản…