Sóc Trăng:

Ế 50.000 tấn hành tím Vĩnh Châu trị giá hơn 700 tỷ đồng và những lý giải

Cao Xuân Lương

(Dân trí) - Thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) hiện tồn đọng trên 50.000 tấn củ hành tím trị giá hơn 700 tỷ đồng. Cách đây 6 năm, người dân thị xã cũng từng đối mặt cảnh đặc sản hành tím lâm vào cảnh ế ẩm.

Lý giải vì sao giá hành tím thương phẩm ở thị xã Vĩnh Châu "thất thủ", ông Mã Chí Thọ, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) cho biết: Trước tình trạng giá hành "lao dốc" như hiện nay, chính quyền và ngành chức năng đã tìm hiểu từ các doanh nghiệp chuyên thu mua hành ở địa phương.

Qua đó, được biết hiện nay hành tím của Thái Lan và Trung Quốc tràn ngập thị trường TP.HCM với giá rẻ không tưởng, chỉ 3.000 đồng/kg. Trong khi đó, hành ở Vĩnh Châu phải bán với giá từ 12.000 đồng/kg thì người nông dân mới có lãi. Vì thế, các doanh nghiệp không dám mua hành tím của Vĩnh Châu.

Ế 50.000 tấn hành tím Vĩnh Châu trị giá hơn 700 tỷ đồng và những lý giải - 1

Thị xã Vĩnh Châu còn tồn hơn 50.000 tấn hành tím, trị giá trên 700 tỷ đồng.

Theo ông Mã Chí Thọ, 6 năm trước (tháng 4/2015), nông dân Vĩnh Châu đã từng lâm vào cảnh ế ẩm khoảng 50.000 tấn hành củ, giá bán tại chỗ chỉ còn từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Lúc đó, thị trường nhập hành của Vĩnh Châu chủ yếu là Indonesia. Vào thời điểm nông dân ở đây thu hoạch hành đại trà thì phía Indonesia ngưng nhập khẩu nên rơi vào tình trạng "dội" chợ.

Trước thực trạng đó, tỉnh Sóc Trăng đã kêu gọi giải cứu cho người trồng hành và được nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hưởng ứng. Hành được mua với giá 10.000 đồng/kg, nhà nông thở phào nhẹ nhõm.

Một điều khiến cơ quan chức năng lo lắng là người nông dân thường trồng hành theo kiểu "dự báo thời tiết". Khi giá hành "xuống dốc", họ trồng ít, nhưng có năm giá hành "leo thang", bà con lại ồ ạt đổ xô trồng để rơi vào cảnh rớt giá. Mỗi năm, nông dân Vĩnh Châu trồng khoảng 1.000 ha hành phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, khoảng 1.500 ha hành giống và 5.000 ha hành thương phẩm chính vụ.

"Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vừa rồi, bà con trồng hành phục vụ nhu cầu Tết bán được từ 30.000 đồng/kg. Thấy giá đó nhiều người mừng nên trồng nhiều, nhưng không ngờ vụ này lại rớt giá đến như vậy", ông Thọ nói.

Để giải quyết số hành tồn đọng hiện nay, ông Mã Chí Thọ cho biết, ngày 19/4, thị xã có văn bản đề nghị Phòng Kinh tế rà soát số lượng hành tồn đọng của những hộ trồng hành để có hướng xử lý. Với hộ nghèo và cận nghèo, không có khả năng cất trữ hành thì chúng tôi vận động cán bộ, công chức, viên chức trong thị xã mua ủng hộ bà con mỗi người 10 kg với giá 15.000 đồng/kg.

"Đồng thời, tỉnh cũng có lời kêu gọi mọi người chung tay mua hành hỗ trợ nông dân. Với những hộ có điều kiện cất trữ thì địa phương khuyến khích bà con trữ lại, chờ khi nào hành lên giá mới bán", ông Thọ chia sẻ thêm.

Được biết, thời gian cho mỗi vụ hành chỉ khoảng 75 ngày là cho thu hoạch. Ngoài việc cạnh tranh không lại với hành Thái Lan và Trung Quốc, hành tím Vĩnh Châu còn gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, các doanh nghiệp xuất khẩu chậm.

Hiện nay, ngoài hành trồng trên đất ruộng, nhiều nông dân Vĩnh Châu còn trồng hành trên đất cát ven biển. Nhưng loại hành trồng trên đất cát không dự trữ được lâu như hành trồng trên đất ruộng, mất màu rất nhanh và củ nhỏ hơn củ trên đất ruộng nên thường bị thương lái ép giá, mua chỉ khoảng 4.000 - 5.000 đồng/kg.

Ế 50.000 tấn hành tím Vĩnh Châu trị giá hơn 700 tỷ đồng và những lý giải - 2

Hành tím tại ruộng ở Vĩnh Châu hiện bán giá rất thấp, chỉ từ 4.000 - 5.000 đồng/kg.

Như Dân trí đã thông tin, hiện nay, trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) còn hơn 50.000 tấn củ hành tím chưa thể tiêu thụ.

Giá hành tím đã gia công vào bao lưới hiện từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/kg, còn đối với hành xù (hành chưa cắt, còn ngoài ruộng) được trồng trên đất cát chỉ từ 4.000 đồng/kg đến 5.000 đồng/kg, trồng trên đất ruộng từ 9.000 đồng/kg đến 10.000 đồng/kg.

Nhiều nông dân trồng hành tím tại Vĩnh Châu đang phải chịu cảnh lao đao vì giá hành xuống thấp kỷ lục. Nhiều gia đình không có vốn để lấp vụ hành mới, không có kho trữ hành, hoặc phải thanh toán tiền phân, thuốc nên đành phải ngậm ngùi "bán tháo" với giá thấp.