“Duy trì đại lý ủy quyền tại Thông tư 20 là hình thức độc quyền”
(Dân trí) - “Thông tư 20 là một điều kiện kinh doanh vì yêu cầu các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu, kinh doanh xe ô tô bắt buộc phải có ủy quyền chính hãng. Việc duy trì đại lý uỷ quyền trong Thông tư 20 cũng là một hình thức độc quyền thị trường”.
Đây là ý kiến của ông Lê Thủy Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tại Tọa đàm “Nhập ô tô: Giữ hay bỏ Thông tư 20?” do Bizlive tổ chức sáng nay (11/8) tại Hà Nội.
Duy trì đại lý ủy quyền là hình thức độc quyền
Theo ông Lê Thủy Trung, về phía góc độ quản lý ngành và cá nhân, Thông tư 20 là một điều kiện kinh doanh vì theo yêu cầu DN nhập khẩu, kinh doanh xe ô tô bắt buộc phải có ủy quyền chính hãng. Ở đây, điều kiện kinh doanh hoàn toàn khác với thủ tục kinh doanh, nó cơ sở để hạn chế gia nhập thị trường của các DN.
"Việc duy trì đại lý ủy quyền trong Thông tư 20 cũng là một hình thức độc quyền thị trường. Khi Việt Nam giảm thuế nhập khẩu từ 80% xuống 60% - 50%, các nhà sản xuất trong nước đã cảnh báo sẽ rút và chuyển sang làm thương mại. Tuy nhiên, họ đã không làm thế”, ông Lê Thủy Trung cho hay.
Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp khẳng định: “Hiện điều quan trọng nhất là các nhà lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô tại Việt Nam vẫn thu được lợi lớn. Giá xe cao thì họ cũng chưa dại gì mà họ rút ra khỏi Việt Nam cả. Thời gian qua Chính phủ cũng đánh giá quy hoạch ô tô hiện nay chưa được như mong muốn. Tùy loại xe có tỷ lệ nội địa hóa khác nhau. Nhưng tác động của Thông tư 20 với tỷ lệ nội địa hóa là không rõ ràng", ông Trung nói.
"Các ý kiến đưa ra để bảo vệ Thông tư 20 như bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường hay an toàn đều không hợp lý. Tôi nghĩ chức năng chính an toàn hay không là do người lái chứ không phải do chiếc xe. Về môi trường thì xe vẫn thường xuyên đi đăng kiểm”, ông Trung cho biết.
Trong khi đó, theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), câu chuyện về Thông tư 20 bắt đầu từ việc làm thế nào để cởi trói cho hoạt động kinh doanh, làm thế nào để thị trường không méo mó.
"Chúng ta đã nhiều lần sửa đổi chính sách bảo hộ cho ngành ô tô. Cho đến thời điểm này tôi có thể nói chiến lược này đã hoàn toàn thất bại. Chúng ta rất sai khi để thuế xuất nhập khẩu chiếm 20-25% tổng thu nhập thuế Nhà nước. Đó là tình trạng bất hợp lý vì ở các nước chủ yếu là thuế nội địa, thuế XNK chỉ chiếm từ 15-20% thôi. Chính vì điều này, Nhà nước muốn cân bằng thu nhập thì lại tăng thuế nhập khẩu, dùng thuế nhập khẩu để cân bằng ngân sách. Đây là lý do ô tô nhập khẩu Việt Nam nằm trong những nước có giá cao nhất thế giới. Tất cả những khập khiễng vừa rồi là do chúng ta không quan tâm đến lợi ích của người tiêu dùng", ông Mại cho hay.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ DN được ủy quyền, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc chi nhánh Audi Hà Nội cho hay: Bỏ hay không bỏ Thông tư 20, chúng ta nên xét trên quan điểm quyền lợi của các bên gồm người tiêu dùng, nhà nước và các bên.
"Các hãng xe chính hãng có mạng lưới bảo hành toàn quốc, theo đúng tiêu chuẩn và trang thiết bị đắt tiền. Do đó, người tiêu dùng có thể được bảo hành chính hãng ở các tỉnh thành trên cả nước. Khi các hãng xe nâng cấp và hiện đại hóa hơn, các doanh nghiệp nhỏ lẻ tôi tin chắc là không đáp ứng được yêu cầu sửa chữa. Đơn cử ở hãng tôi, một chuyên gia vừa phải bay từ Đức sang để có thể giải quyết một vấn đề của một xe mà chúng tôi mới nhập. Vấn đề an toàn giao thông, người tiêu dùng khi mua xe chính hãng được hưởng chất lượng cao nhất và đảm bảo tính mạng an toàn giao thông, còn khi các xe không được bảo hành tốt thì sẽ không được hưởng tính an toàn cao nhất", ông Dũng cho hay.
Bên cạnh đó, ông này cho biết: "Ngoài tác động đến người tiêu dùng, từ khi có Thông tư 20, hoạt động thu thuế lành mạnh, đầy đủ hơn và có sự quản lý tốt hơn."
Cũng theo ông này: Để đào tạo một kỹ thuật viên gò một khung sườn nhôm có trị giá 200.000 USD, chúng tôi phải mất 40.000 USD/người. Bên cạnh đó, để lập ra được 1 salon hay showroom, chúng tôi phải bỏ 4 - 5 triệu USD, với rất nhiều linh kiện và thiết bị đắt tiền. Nếu bỏ Thông tư 20 sẽ khiến các salon rất khó khăn.
Theo ông Dũng: "Về vấn đề liệu có độc quyền hay không độc quyền? Chúng tôi ban đầu cũng chỉ là doanh nghiệp nhỏ. Do đáp ứng được yêu cầu kinh doanh của hãng nên chúng tôi được chọn là nhà phân phối tại Việt Nam".
Thông tư 20, điều chỉnh sai mục đích!?
Đại diện cho cộng đồng có số đông người đang sử dụng ô tô tại Việt Nam, ông Ngô Việt Dũng, đại diện của Diễn đàn Otofun cho hay: "Chúng tôi có quan điểm là nếu điều chỉnh Thông tư 20, thay vì điều chỉnh đối tượng được nhập khẩu thay vào đó điều chỉnh tiêu chuẩn của xe. Xe bán ra thị trường phải đáp ứng các điều kiện về bảo hành và cung cấp sản phẩm để xe có khả năng hoạt động tốt. Đơn cử như xe của Mỹ phải có cảm biến áp suất lốp còn Việt Nam không có quy định tương tự. Với những tiêu chuẩn tại Việt Nam hiện thấp hơn nước ngoài nên các lựa chọn bị cắt giảm rất nhiều, nó ảnh hưởng rất nhiều đến người tiêu dùng".
Phản hồi ý kiến của các hãng ô tô được ủy quyền, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phúc An cho rằng: Đối với các DN vừa và nhỏ việc lo ngại về trốn thuế thì đã có Hải quan quản lý. Nếu có gian lận thuế, đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan quản lý Nhà nước. Còn nếu các hãng cảm thấy chúng tôi không cấp được ủy quyền, thì chúng tôi phải tự hoàn thiện mình, nâng chất lượng nên. Do đó, không nên lo thay cho thị trường và người tiêu dùng.
“Nếu các đại lý ủy quyền chính hãng đã nêu phải tốn 4 - 5 triệu USD xây dựng showroom ô tô, nhưng các DN nhỏ và vừa cũng đầu tư hàng chục salon ô tô thì cũng mất vài trăm triệu USD. Tuy nhiên, sau khi đầu tư xây dựng salon xong rồi, Thông tư 20 ra đời, rất nhiều người phá sản, trắng tay, nợ nần. Vấn đề này ai lo, ai khổ!”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn: Việc lấy lý do vì an toàn giao thông, con người để bảo vệ Thông tư 20, chúng tôi đưa ra lý do là hiện chưa có bằng chứng xác thực nào về việc an toàn giao thông là do xe nhập khẩu không chính hãng gây nên, mà chủ yếu là do con người. Những công nhân viên chức, sáng chỉ lái xe đến cơ quan, chiều lái xe về, chứ không phải đi đường dài thương mại như taxi, nên bảo xe gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng là không có. Những vấn đề an toàn và hiện đại hóa đều là vấn đề của tương lai.
Nguyễn Tuyền