Dứt phố ngột ngạt về quê nuôi dế, chàng trai nhận kết quả ngọt ngào

(Dân trí) - Cảm thấy cuộc sống ở đô thị lớn quá ngột ngạt, Tuấn đã quyết định dứt phố về quê nuôi dế thương phẩm. Quyết định ấy đang giúp Tuấn sống những ngày tháng ngọt ngào.

Dù đã nỗ lực rất nhiều trong công việc, nhưng Nguyễn Văn Tuấn (SN 1986, trú xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) vẫn luôn cảm thấy cuộc sống ở một đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh quá ngột ngạt. Tuấn cảm nhận mỗi ngày trôi qua của mình như một rô bốt lập trình: Sáng tới cơ quan, trưa ở lại công trường, tối lại quay về phòng trọ. Làm quần quật, nhưng thu nhập chỉ đủ trang trải sống qua ngày.

Trong thời gian học tập và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, Tuấn được tham quan một số trang trại nuôi dế. Qua tìm hiểu, nhận thấy con dế dễ nuôi, Tuấn đem về phòng trọ nuôi thử để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm.

Cảm nhận con dế là tương lai của mình, Tuấn đã không ngần ngại bỏ ngang công việc ở phố thị, quyết trở về quê lập nghiệp.

Năm 2016 cưới vợ xong, Tuấn đầu tư cơ sở nuôi dế tại quê hương với chi phí ban đầu khoảng vài chục triệu đồng. Ban đầu, Tuấn đầu tư nuôi thử 2 chuồng, mỗi chuồng có diện tích 1,2 x 2,4m. Doanh nghiệp bán con giống cũng cam kết thu mua lại dế thương phẩm.

Tuy dế là loài dễ nuôi, ít bệnh nhưng có sức đề kháng kém, rất nhạy cảm với hóa chất, dị ứng với mùi khói, nên Tuấn đặc biệt chú ý tới môi trường sống của dế. Bằng nhiều tài liệu, Tuấn đã tự tay tạo ra những chuồng nuôi đủ yên tĩnh, thoáng mát giúp dế sinh trưởng nhanh, chóng lớn.

Tuấn cũng tận dụng thức ăn có trong nhà, địa phương là rau muống, rau sắn, mùng tơi, khoai lang và cám gạo, bột ngô, đậu xanh…

Dứt phố ngột ngạt về quê nuôi dế, chàng trai nhận kết quả ngọt ngào - 1

Tuấn đang hạnh phúc với nghề nuôi dế thương phẩm

Kết quả những lứa nuôi đầu dù chưa lớn, nhưng đủ giúp Tuấn tự tin chinh phục con nuôi ơ quê chưa ai nuôi này. Ngay sau 2 lứa nuôi thử nghiệm đầu tiên, Tuấn đã mạnh dạn nhân rộng lên 6 chuồng nuôi. Mỗi chuồng sau 45 ngày nuôi sẽ cho thu hoạch khoảng 40 kg dế thương phẩm.

Hiện tại mỗi tháng Tuấn đã xuất cho doanh nghiệp theo cam kết ít nhất là 60 kg dế thương phẩm. Ngoài ra, sản phẩm dế của Tuấn còn được một số nhà hàng, người dân tìm đến mua.

“Mỗi chuồng sau 45 ngày nuôi sẽ cho thu hoạch khoảng 40 kg dế thương phẩm, giá bán hiện tại là 140 nghìn đồng/1 kg. Tính ra mỗi lứa, gia đình tôi thu về trên 30 triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi ngày cho thu nhập trên 500 nghìn đồng từ con dế” - Tuấn nhẩm tính.

Với nguồn thu khá so với thu nhập ở quê nhà, công việc không hề nặng nhọc, có thời gian thư thái, đầm ấm bên gia đình, Tuấn thấy cuộc sống yên bình, tuyệt vời hơn.

Dứt phố ngột ngạt về quê nuôi dế, chàng trai nhận kết quả ngọt ngào - 2

Nhờ nuôi dế thương phẩm mà Tuấn có nguồn thu đủ nuôi khỏe cả gia đình mình

“Nhìn lại những ngày trước đây ở phố thị, em thấy lựa chọn trở về quê là hợp lý. Em vừa có thu nhập, lại vừa thấy nhẹ nhõm hơn hẳn”- Tuấn chia sẻ.

Với người dân, nhất là những bạn trẻ ở Yên Hồ, Tuấn là một người dễ mến, tốt bụng. Rất nhiều người đến tham quan, học nuôi, Tuấn không hề giấu nghề, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm.

Theo Tuấn, nuôi dế cũng không tốn nhiều diện tích, và không ô nhiễm môi trường. Tỷ lệ sống của dế rất cao, ít bệnh tật, người nuôi có thể tự nhân giống. Loài dế chỉ có nhược điểm là cắn nhau và ăn đồng loại, tuy nhiên, nếu cho ăn đầy đủ thì sẽ hạn chế được rủi ro này”.

Người nuôi cần lưu ý là thức ăn cho dế phải sạch, không nên dính nước. Nếu thuận lợi, sinh trưởng tốt thì sau khoảng 45 ngày có thể thu hoạch, vào mùa đông thì thời gian nuôi có thể sẽ kéo dài hơn. Trước khi thu hoạch vài ngày, người nuôi nên dừng cho ăn các loại rau mà chỉ cho ăn bột đậu xanh để làm sạch ổ bụng. Khác với khu vực miền Nam, thời tiết ở Hà Tĩnh khá phù hợp nên không cần thực hiện phun sương.

Ông Trần Văn Tiến - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Hồ cho biết: Mô hình nuôi dế của anh Tuấn có hiệu quả cao, dễ làm. Đây là cách làm kinh tế mới ở xã, đem lại thu nhập cao cho người nuôi.

Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục theo dõi, xem xét và đề xuất lên cấp trên để anh Tuấn được hưởng chính sách vay vốn, mở rộng mô hình. Đồng thời, đưa hội viên đến tham quan, học cách nuôi dế, để mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế địa phương.

Hà Phương