Vào TPP, doanh nghiệp nước ngoài sẽ thuê nhiều lao động Việt Nam
Tờ Washington Post nhận định, việc ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là tín hiệu tốt cho lao động Việt Nam.
Trong bài viết mới đăng tải cách đây ít ngày, Washington Post đã phân tích những ảnh hưởng từ TPP đến các nước thành viên và các công ty đa quốc gia thông qua thị trường Việt Nam và tập đoàn Nike.
Xu thế “thuê ngoài” gia tăng
Washington Post đưa ra nhận định của Tổng thống Mỹ Barack Obama về Hiệp định TPP ký kết với một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, khi ông đến thăm trụ sở Nike tại Oregon.
Theo nhiều chuyên gia, đây là một mặt trái của quá trình toàn cầu hóa. Khi xu thế “thuê ngoài” của các tập đoàn đa quốc gia tăng cao, những nước kém phát triển sẽ chạy đua để giữ mức lương tiêu chuẩn thấp nhằm cạnh tranh thu hút nhà đầu tư.
Washington Post ước tính có khoảng 1/3 tổng số công nhân sản xuất sản phẩm của Nike hiện làm việc tại Việt Nam. Nếu Việt Nam gia nhập TPP, sản phẩm Nike từ Việt Nam sẽ có lợi thế khi được miến giảm thuế vào thị trường Mỹ.
Ngoài ra, tập đoàn Nike sẽ được gia tăng quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ nhằm chống lại hành vi sản xuất hàng giả tại đây. Bên cạnh đó, Nike cũng có thể khởi kiện ra tòa án quốc tế nếu cảm thấy bị đối xử bất bình đẳng so với những công ty nội địa khác.
Hơn nữa, các công ty dịch vụ tài chính Mỹ cũng sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều hơn tới thị trường Việt Nam khi chính phủ đang dần mở cửa và ngành ngân hàng đang được tái cơ cấu.
Lợi thế nhân công giá rẻ
Theo Washington Post, điều này sẽ dẫn đến một xu thế đầu tư lớn vào sản xuất giày dép và may mặc tại Việt Nam. Trái ngược lại, ngành sản xuất giày dép và may mặc tại một số nước sẽ bị suy giảm như Trung Quốc, Trung Mỹ và Pakistan do chi phí nhân công cao.
Với những minh chứng trên, nhiều chuyên gia kinh tế tin rằng, các hiệp định thương mại sẽ giúp người lao động tại các quốc gia đang phát triển được hưởng lợi. Tuy nhiên, chuyên gia Gary Burtless của Viện Brookings, lo ngại rằng, tại Việt Nam tiêu chuẩn lao động còn thấp và có thể những lợi ích từ TPP sẽ không đến được với người công nhân.
Theo Wasington Post, các hiệp định thương mại cần được thực hiện với điều kiện đảm bảo quyền lợi kinh tế cũng như tiêu chuẩn cơ bản của người lao động. Với những tuyên bố chính thức của Tổng thống Obama gần đây, Wasington Post cho rằng một danh sách các tiêu chuẩn quốc tế sẽ được liệt kê trong một thỏa thuận phụ riêng biệt với TPP.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Lao động Mỹ Tom Perez vẫn chưa tuyên bố khi nào các điều kiện này cần phải tuân thủ một cách đầy đủ. “Chúng tôi sẽ không ép Việt Nam trở thành Đức (nổi tiếng về tính kỷ luật) qua một đêm. Chúng tôi mong muốn một loạt những cải cách và việc loại bỏ hàng rào thuế quan để Việt Nam có hệ thống kinh tế tốt hơn,” ông Tom Perez nói.
Các chuyên gia đang chờ đợi xem Nhà Trắng sẽ có giải pháp gì để nâng cao tiêu chuẩn lao động tại các quốc gia tham gia đàm phán TPP./.